Về Việt Nam đón Tết, tranh thủ điều trị tuyến tiền liệt
Gần Tết, nhiều người tranh thủ về Việt Nam điều trị phì đại tuyến tiền liệt để có cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Giữa tháng 1/2024, ông Q.V.X. (67 tuổi) từ Hà Lan về Việt Nam thăm họ hàng, người thân và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ông X. mắc tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt nhiều năm nay. Bệnh khiến ông khó tiểu, mỗi lần tiểu lắt nhắt, tiểu không hết. 6 năm trước, ông phẫu thuật thu nhỏ tuyến tiền liệt tại Hà Lan nhưng gần đây, bệnh tái phát. 2 năm nay, ông phải uống thuốc mỗi ngày để dễ đi tiểu.
Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng bí tiểu cấp, đau đớn, khó chịu vùng bụng dưới. Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa giúp người bệnh thông tiểu nhanh chóng, giải phóng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, ghi nhận khoảng 600ml, tương đương sức chứa tối đa của bàng quang.
Qua thăm khám, bác sĩ Cương cho biết tuyến tiền liệt của người bệnh có kích thước 80ml, gấp khoảng 4 lần bình thường (25ml).
Sau uống thuốc 1 tuần, người bệnh vẫn bí tiểu trở lại sau 1 ngày rút ống thông tiểu. Do đó, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi bóc nhân tuyến tiền liệt qua niệu đạo bằng Laser Holmium (HoLEP) nhằm giải quyết triệt tình trạng này cho người bệnh.
“Tôi quyết định mổ sớm để được vui Tết trọn vẹn bên gia đình”, ông X. chia sẻ.
Bác sĩ đưa thiết bị chuyên dụng qua đường tiểu của người bệnh, dùng laser công suất cao, bóc từng thùy tuyến tiền liệt đến sát lớp vỏ bao và cổ bàng quang. Quan sát màn hình nội soi Karl Storz 3D/4K, nhận thấy từng thùy lớn của tuyến tiền liệt được bóc dần ra khỏi vỏ bao và được cắt rời khỏi vùng cổ bàng quang. Các mảnh mô lớn tuyến tiền liệt trong bàng quang được hút và xay nhuyễn thành các mảnh nhỏ qua một hệ thống máy xay mô để lấy ra ngoài.
Khoảng 12 giờ sau mổ, ông X. phục hồi, không đau, ăn uống, đi lại bình thường. 2 ngay sau mổ, ông được rút ống thông tiểu, ông đi tiểu thoải mái, tốc độ dòng tiểu ghi nhận 20ml/s (tương đương người khỏe mạnh) và được cho xuất viện.
Theo bác sĩ Cương, một tháng đầu sau mổ, ông X. cần uống nhiều nước (2-3 lít/ngày), ăn thức ăn dễ tiêu hóa, nhiều rau xanh để tránh táo bón, không vận động mạnh.

Tương tự, ông L.Đ.H. (75 tuổi) cùng con trai từ Mỹ về Việt Nam đón Tết cổ truyền kết hợp điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Ông từng đặt ống thông tiểu tại Mỹ 1 năm trước do bí tiểu nhưng sau khi rút ra, ông lại bị bí tiểu, phải vào viện cấp cứu.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Trường Hoan, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết khối lượng tuyến tiền liệt của ông là 200g – gấp 10 lần so với người bình thường (15-20g).
Do tuyến tiền liệt người bệnh quá lớn, bác sĩ Hoan chỉ định phẫu thuật nội soi bóc nhân tuyến tiền liệt.
Bác sĩ tạo 5 lỗ nhỏ 1-2cm trên bụng người bệnh để đưa các thiết bị mổ nội soi vào bên trong. Bác sĩ cẩn thận bóc tách các tổ chức trong ổ bụng, mở bàng quang tiếp cận khối u tuyến tiền liệt. Bác sĩ bóc khối mô sát lớp vỏ bao tuyến tiền liệt rồi lấy ra ngoài.
2 ngày sau mổ, H. đã tiểu được sau khi rút thông, không đau, ăn uống, đi lại bình thường. Ông chia sẻ: “Giờ tôi có thể yên tâm ăn Tết với gia đình, không sợ phải vô bệnh viện thông tiểu nữa”.
Ông X. và ông H. là hai trong số nhiều trường hợp người bệnh phẫu thuật điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thời điểm gần Tết Nguyên đán 2024, giải quyết dứt điểm tình trạng rối loạn tiểu để có cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Hiện có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Những phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu ngày càng phổ biến do không có vết mổ, ít đau, hiệu quả cao và phục hồi nhanh. Với tuyến tiền liệt lớn (trên 60 ml), nội soi bóc nhân tuyến tiền liệt hoặc nút mạch là những chọn lựa điều trị phù hợp. Tùy từng người bệnh cụ thể, bác sĩ chỉ định phương án điều trị phù hợp.
Cảnh giác bia rượu ngày Tết
Theo bác sĩ Cương, cả ông X. và ông H. đều bị bí tiểu cấp tính do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, dân gian còn gọi là u xơ lành tính tuyến tiền liệt.
Ở nam giới, tuyến tiền liệt nằm ngay bên dưới bàng quang, bao quanh niệu đạo. Sau 40 tuổi, tuyến này có khuynh hướng lớn dần, mô tuyến tiền liệt vùng cạnh niệu đạo và cổ bàng quang có thể chèn ép, gây cản trở đường thoát nước tiểu khiến người bệnh rối loạn đi tiểu như tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu không hết… và bí tiểu.
Tết là thời điểm nam giới mắc tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có nguy cơ bí tiểu gia tăng do tiêu thụ nhiều bia, rượu. Bia, rượu có tác dụng lợi tiểu, đồng thời cũng có chứa thành phần làm ảnh hưởng đến thần kinh cơ bàng quang khiến người bệnh mau đi tiểu. Những người có tuyến tiền liệt lớn dễ bị bí tiểu, không thể đi tiểu mặc dù bàng quang căng đầy nước tiểu. Tình trạng này làm người bệnh đau đớn, phải được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay.
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới lớn tuổi (50 tuổi trở lên). Uớc tính kích thước tuyến này tăng khoảng 2%-2,5% mỗi năm. Người bệnh có các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như: tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp, tia nước tiểu yếu, tiểu phải rặn… ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ và cuộc sống.
Nếu không điều trị, tình trạng bế tắc đường tiểu kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi bàng quang, tiểu máu, suy yếu cơ bàng quang, suy giảm chức năng thận.
Người bệnh cần uống đủ nước mỗi ngày, tránh sử dụng nhiều bia rượu, tăng cường ăn rau xanh và trái cây; thường xuyên tập thể dục nhẹ; tránh đạp xe, lái xe máy đường dài.
Bác sĩ Cương khuyến cáo nam giới lớn tuổi nếu gặp tình trạng rối loạn tiểu: tiểu khó, tiểu đêm, tiểu lắt nhắt… cần sớm đến bệnh viện thăm khám và điều trị, tránh bệnh gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Comments are closed.