Tổng kết live: Biến chủng mới Covid-19 vẫn đe dọa người bệnh nền
Người mắc bệnh nền, lớn tuổi nhiễm biến chủng mới Covid-19 vẫn có nguy cơ cao diễn tiến nặng hơn, để lại di chứng kéo dài. 60 – 80% ca nhiễm Covid-19 tử vong thuộc nhóm người trên 60, 65 tuổi.
Cảnh báo trên được BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm – Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết trong chương trình tư vấn trực tuyến “Biến chủng mới Covid-19 vẫn đe dọa người mắc bệnh nền – Cảnh báo di chứng kéo dài”. Chương trình do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Hệ thống Tiêm chủng VNVC tổ chức vào tối 21/12 vừa qua, thu hút hơn 40.000 lượt xem trực tiếp, xem lại cùng hàng trăm câu hỏi gửi về.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, vào các tháng cuối năm 2023, số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh tại Hoa Kỳ, châu Âu… Tại Đông Nam Á, các quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gia tăng 50 – 60% so với thống kê trước đó. Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới ghi nhận trên 700 triệu người đã nhiễm Covid-19, khoảng 7 triệu người tử vong.
Theo ghi nhận của WHO, có 4 biến chủng mới của Covid-19 được xếp vào nhóm đáng quan tâm là XBB.1.5, XBB.1.16, XR5 và BA.2.86. Tại Việt Nam đã phát hiện 3 biến chủng mới của Covid-19 là XBB.1.5, XBB.1.16 và BA.2.86. Đa số trường hợp nhiễm Covid-19 tử vong rơi vào nhóm người lớn tuổi và có bệnh nền. Người nhiễm Covid-19 trên 65 tuổi có nguy cơ tử vong gấp 97 lần so với người nhiễm từ 18 – 29 tuổi.
Với câu hỏi “Vì sao Covid-19 hay những bệnh truyền nhiễm khác vẫn đang là mối đe dọa nguy hiểm với người mắc bệnh nền?”, ThS.BS.CKII Nguyễn Hoàng Tuấn Vũ – Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, người có bệnh nền như đái tháo đường, suy tuyến thượng thận mạn, bệnh động mạch vành, suy tim, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản…, phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh mạn tính nên có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nói chung và Covid-19 nói riêng.
Khi nhiễm Covid-19, nhóm người này có nguy cơ cao gặp diễn tiến bệnh nặng hơn, có thể để lại di chứng nghiêm trọng, kéo dài. Lý do là vì khi virus SARS-CoV-2 tấn công vào các hệ cơ quan đã gây ra tổn thương, để lại di chứng nặng nề, thậm chí có các di chứng không thể hồi phục. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể và quá trình hồi phục, khiến các bệnh nền mất ổn định.
Một khán giả thắc mắc: “Người mắc bệnh nền nhiễm Covid-19 có thể đối mặt với di chứng gì, các di chứng này có thể kéo dài và gây nguy hiểm như thế nào?”, BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh – Bác sĩ Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải đáp, người mắc bệnh nền nhiễm Covid-19 có thể cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi, tức ngực, gặp triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa, thần kinh… Đặc biệt, người bệnh dễ gặp vấn đề ở hệ tuần hoàn, hô hấp, vì đây là hai hệ rất dễ bị tổn thương. Người bệnh có thể phải đối mặt với các di chứng như xẹp phổi, đông đặc phổi, xơ phổi, biến chứng tim mạch, xơ vữa, tắc nghẽn động mạch vành, suy tim nặng hơn… Các biến chứng, di chứng này có thể kéo dài vài tuần, vài tháng, thậm chí là vài năm.
Giải đáp câu hỏi của khán giả về “Vai trò của việc tiêm chủng với người mắc bệnh nền, nhóm đối tượng này nên tiêm những loại vắc xin gì?”, BS Bùi Thanh Phong – Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, khi tuổi đã cao, tế bào miễn dịch già đi, tế bào biểu mô đường tiêu hóa, hô hấp… cũng suy giảm, mất dần chức năng. Lúc này, người già có nguy cơ mắc phải các bệnh lý mạn tính. Ước tính có khoảng 80% người trên 65 tuổi mắc tối thiểu một bệnh lý nền. Những yếu tố kể trên đã tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm (bao gồm cả Covid-19) dễ dàng tấn công.
Người lớn tuổi mắc bệnh truyền nhiễm có thể đồng mắc nhiều bệnh lý khác. Ví dụ không chỉ nhiễm Covid-19 mà còn có thể nhiễm cúm, phế cầu… trong cùng một đợt bệnh. Lúc này, nguy cơ bệnh chuyển biến nặng, dẫn đến tử vong sẽ tăng cao. Đây là lý do vì sao người mắc bệnh nền cần được tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh phòng ngừa Covid-19, người cao tuổi, mắc bệnh nền cần tiêm thêm vắc xin phòng bệnh hô hấp để tạo “lá chắn kép”, bảo vệ sức khỏe toàn diện hơn, ví dụ như vắc xin cúm, vắc xin phế cầu (ngăn ngừa bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết…), vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván…
Với thắc mắc “Làm sao kiểm soát các bệnh nền và bệnh truyền nhiễm hiệu quả, cần lưu ý gì trong việc thăm khám, điều trị?”, BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm giải đáp, người lớn tuổi, mắc bệnh nền, có nguy cơ cao bị bệnh truyền nhiễm nên được thăm khám toàn diện bởi các bác sĩ chuyên khoa để tìm ra những bệnh lý tiềm ẩn, có phương án điều trị phù hợp. Nếu cần thiết, người bệnh sẽ được nhập viện điều trị để ngăn chặn và theo dõi biến chứng, hạn chế tối đa di chứng. Các bác sĩ cũng có thể tư vấn thêm cho người bệnh về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, phục hồi chức năng… để nâng cao sức khỏe tổng thể.
Người mắc bệnh nền cần tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ sử dụng thuốc, thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh. Khi kiểm soát được bệnh nền, sức đề kháng sẽ gia tăng, giúp chống lại nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Mỗi người cần tuân thủ các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm như đeo khẩu trang y tế, hạn chế đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng…
Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị, máy móc hiện đại, khoa Nội tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được nhiều người bệnh tin tưởng đến thăm khám, sàng lọc, chữa trị các bệnh mạn tính, lão khoa, đa chuyên khoa, các vấn đề hậu Covid-19…
Comments are closed.