Tự nặn mủ, đắp lá cây: mụn nhọt chân hoại tử
Đường huyết cao gấp 3 lần
Sau 7 ngày điều trị mụn nhọt tại nhà bằng thuốc kháng sinh, đắp lá cây, bà N.T.Y. (62 tuổi, Đồng Nai) bị sưng phù từ bắp chân phải đến mắt cá chân, nhọt to bằng cái chén, có màu đen. Bà Y. dùng kìm tự cắt đi lớp da đen, sau nhiều ngày tự xử lý, vết thương nặng dần, bốc mùi khó chịu nên bà đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Tiến sĩ bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết bà Y. nhập viện trong tình trạng mệt, đau nhiều ở chân phải, mụn nhọt to hơn 10cm. Vì người bệnh đã cắt lớp da thâm đen nên để hở 1 mảng thịt chứa đầy mủ trắng, nhiều mô hoại tử màu đen bốc mùi, hai cẳng chân còn hằn một số sẹo thâm do những mụn nhọt khác để lại. Bà Y. cho biết bà phát hiện tiểu đường năm 2017; đến năm 2018, bà nghĩ bệnh đã lành nên ngừng điều trị.
Bà Y. được rửa sạch vết thương, sát khuẩn, rạch dẫn lưu mủ, cắt lọc các mô hoại tử, băng bó. Đồng thời xét nghiệm máu, nước tiểu. Kết quả chỉ số HbA1c (cho biết mức đường huyết trung bình của một người trong 2-3 tháng) cao gấp 3 lần so với người bình thường (chỉ số bình thường dưới 5,7%). Chỉ số đường huyết tại thời điểm nhập viện cũng rất cao so với tiêu chuẩn khống chế đường huyết ở người bệnh tiểu đường, kèm tình trạng gan nhiễm mỡ độ 1, huyết áp cao.
Bác sĩ Tùng cho biết bà Y. bị tiểu đường type 2, nhiễm trùng lan rộng, gây tổn thương sâu. Với tình trạng đường huyết cao, nếu vẫn tiếp tục tự điều trị tại nhà, bà Y. sẽ bị nhiễm trùng nặng, nguy cơ nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, có thể tử vong.
Sau 1 tuần điều trị tổng quát và tích cực với thuốc tiểu đường, kháng sinh, thuốc hạ huyết áp và mỡ máu, chăm sóc vết thương hàng ngày, tình trạng nhọt của bà Y. đã cải thiện. Bà được phẫu thuật ghép da, tránh cử động chân trong nhiều ngày. Sau 2 tuần điều trị, vết thương lành lặn, bà Y. được ra viện.

Không tự bỏ thuốc, điều chỉnh lượng thuốc
Bà Y. kể: “Bác sĩ phát hiện tôi bị tiểu đường năm 2017. Điều trị được 1 năm, tôi khám thấy đường huyết ổn, nghĩ hết bệnh nên không uống thuốc nữa. Tôi sợ bệnh tái phát nên uống trà nhân trần và lá dứa hàng ngày. Thấy không có các triệu chứng khát nước nhiều, đi tiểu nhiều nên tôi càng chắc chắn mình không bị tiểu đường.”
Sau khi ngưng thuốc, bà Y. thường xuyên nổi mụn nhọt ở bắp chân, đùi, bẹn, háng. Bà tự nặn mủ, mua thuốc kháng sinh uống, sau 3 tháng mới lành nhưng chân bà chi chít sẹo thâm do nhọt.
Bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng giải thích triệu chứng phổ biến khi đường huyết cao là khát nhiều, tiểu nhiều, sụt ký, mệt, mờ mắt… Tuy nhiên, tùy mức đường huyết mà người bệnh có các triệu chứng khác nhau. Nhiều bệnh nhân không gặp các triệu chứng ngay cả khi đường huyết tăng gấp 2-3 lần ngưỡng bình thường.
Có hơn 50% bệnh nhân tiểu đường có các vấn đề về da. Đường huyết cao làm giảm các yếu tố bảo vệ da, kèm điều kiện thuận lợi khác khiến da tổn thương, bóng nước, tăng sắc tố, dễ nhiễm nấm, vi khuẩn… dẫn đến nổi mụn nhọt. Đáng lưu ý, người bệnh có cơ địa dễ nổi mụn nhọt cộng với đường huyết cao khiến nhọt càng nổi nhiều hơn và điều trị lâu lành. Nếu điều trị không đúng sẽ làm nhọt sưng to, nhiễm trùng nặng, loét, hoại tử đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Bác sĩ Tùng cho biết bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị nhằm kiểm soát đường huyết về mức ổn định, phòng các biến chứng từ bệnh như: tổn thương mạch máu, thần kinh; tổn thương chức năng thận, tim, mắt. Đặc biệt, nên quan tâm và chăm sóc thường xuyên tình trạng sức khỏe da của người đái tháo đường. Do đó, người bị tiểu đường tuyệt đối không bỏ thuốc, không tự ý đổi và điều chỉnh liều lượng thuốc. Nếu có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nổi mụn nhọt, vết thương… cần tới bệnh viện để được khám và điều trị sớm phòng biến chứng.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.