Tái tạo khí quản cho người bị biến chứng sau đột quỵ
Anh Quang, 34 tuổi, liệt nửa người sau đột quỵ, phải đeo ống mở khí quản ở cổ (canuyn) để duy trì sự sống, 9 tháng sau ống nghẹt gây khó thở, nguy cơ cao nhiễm trùng.
Anh có tiền sử động kinh, khả năng nhận thức hạn chế, sức khỏe yếu sau đột quỵ, có nguy cơ đeo ống mở khí quản suốt đời, sinh hoạt phụ thuộc bố mẹ. 9 tháng qua, bố đưa anh đến nhiều bệnh viện nhưng vẫn chưa được rút ống vì nguy cơ biến chứng sau mổ rất cao, như nhiễm trùng, tắc ống, tái hẹp, hoại tử thủng thanh khí quản…
Ông Dũng, bố của anh Quang, đưa con đến Bệnh viện Tâm Anh TP HCM khám vào tháng 12 với hy vọng được tháo ống mở khí quản. PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết anh Quang có sẹo hẹp khí quản do đặt ống mở khí quản lâu ngày, cộng thêm các u hạt khí quản bên trong. Bệnh nhân hạn chế về mặt nhận thức, không thể khạc đờm hay tập thở – thao tác cần thiết với trường hợp đeo ống mở khí quản, nên khả năng phát sinh biến chứng sau mổ rất cao.
“Sẹo hẹp khí quản đến nay vẫn là thách thức trong điều trị tai mũi họng”, Phó giáo sư Thủy nói, thêm rằng tình trạng này do chấn thương khí phế quản hoặc phải mở kéo dài gây tổn thương, hẹp nên rất khó rút ống. Thở qua lỗ mở ở cổ khiến không khí không được lọc qua đường mũi họng như thông thường, dễ nhiễm trùng, viêm phổi tái diễn nhiều lần, nguy cơ ngạt thở khi côn trùng, dị vật rơi vào nếu không có băng gạc che chắn.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, ê kíp phẫu thuật quyết định giải quyết tình trạng sẹo hẹp, đánh giá đáp ứng của bệnh nhân, sau đó mới quyết định tháo bỏ ống mở khí quản hay không.
Theo Phó giáo sư Thủy, tái tạo khí quản là kỹ thuật khó, cần sự phối hợp của khoa gây mê và tai mũi họng. Tính chất sẹo hẹp và u hạt rất dễ tái phát, nên rất khó để rút ống mở khí quản cho bệnh nhân. Nhờ hệ thống máy cắt đốt, vi phẫu hiện đại, cầm máu trong lúc mổ, bác sĩ cắt u hạt và sẹo hẹp, nong khí quản, tái tạo đường thở thông thoáng cho bệnh nhân.
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết nội soi kiểm tra sau mổ cho thấy mô hạt không mọc lại, khí quản không tái hẹp. Anh Quang được phẫu thuật tháo bỏ ống mở khí quản sau hai tuần. Hậu phẫu, anh thở được bằng mũi, tập vật lý trị liệu hồi phục vận động, giọng nói.
Trên thực tế, một số bệnh nhân được bác sĩ khuyên chấp nhận đeo ống mở khí quản cả đời, thường là người phải thở máy, đặt nội khí quản kéo dài, bệnh nhân trải qua chấn thương sọ não, dập não, viêm phổi, đau tim cục bộ, đột quỵ nghiêm trọng…
Đặt ống mở khí quản là phương pháp điều trị tốt và hiệu quả tại thời điểm đó. Tuy nhiên, người bệnh đeo ống mở khí quản dài ngày thường gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đeo ống mở khí quản càng lâu, khả năng tháo bỏ càng khó.
Phó giáo sư Thủy khuyến nghị người bệnh đeo ống mở khí quản có các triệu chứng bất thường như nhiễm trùng, sốt cao, ho nhiều, đờm nhớt tăng nhiều hoặc có lẫn máu, mủ, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được xử lý sớm, tránh biến chứng.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.