Nội soi thoát vị đĩa đệm cho người bệnh đái tháo đường
Sau 7 ngày can thiệp nội soi, bà Cúc, 70 tuổi, bị thoát vị đĩa đệm và đái tháo đường đã có thể đi lại nhẹ nhàng, giảm đau rõ rệt.
Bà Hoàng Thị Cúc, ngụ An Giang, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám trong tình trạng đau lưng dữ dội, khó đi lại. Người bệnh chia sẻ đã uống thuốc và tập vật lý trị liệu trong một thời gian nhưng tình trạng không cải thiện.
ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống cho biết, người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống vị trí L4L5, L5S1 ở mức độ nặng. Khối thoát vị chèn ép dây thần kinh gây đau lan xuống chân phải, đi lại khó khăn nên người bệnh thường phải nằm một chỗ.
Do tình trạng bệnh nặng, tiến triển nhanh nên bà Cúc được chỉ định phẫu thuật sớm để giải phóng khỏi đau đớn và khôi phục khả năng vận động. Tuy nhiên, gia đình người bệnh không đồng ý điều trị vì cho rằng bà tuổi cao và mắc nhiều bệnh nền, bao gồm bệnh đái tháo đường; lo ngại nếu “đụng dao kéo” vết thương rất khó lành, dễ nhiễm trùng… thậm chí, có nguy cơ liệt sau phẫu thuật.
“Đái tháo đường là một thử thách lớn đối với các bác sĩ khi thực hiện phẫu thuật vì nguy cơ nhiễm trùng ở những người bệnh này cao gấp 4 lần bình thường, vết thương khó lành và tốc độ liền xương chậm hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn thực hiện được nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”, bác sĩ Thắng khẳng định.

Ở trường hợp của bà Cúc, để làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng, chỉ số đường huyết được theo dõi, kiểm soát liên tục trước, trong và sau phẫu thuật. Cụ thể, trước phẫu thuật, người bệnh được thực hiện các xét nghiệm cần thiết và điều chỉnh đường huyết. Trong phẫu thuật, người bệnh được chỉ định dùng thuốc để ngăn ngừa đường huyết tăng vọt. Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục được theo dõi chỉ số đường huyết nhiều lần trong ngày, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
Đối với tình trạng thoát vị đĩa đệm, người bệnh được nội soi giải áp thần kinh và làm cứng đốt sống. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, chỉ mở một đường nhỏ khoảng 2 cm trên da, hạn chế tổn thương các mô mềm, giúp giảm đau và mất máu hiệu quả. Bác sĩ đưa hệ thống ống nội soi, dụng cụ phẫu thuật vào tiếp cận cột sống bị tổn thương, loại bỏ khối thoát vị và giải phóng áp lực cho dây thần kinh, tủy sống.
Sau khi chỉ số đường huyết ổn định, tình trạng sức khỏe phục hồi tốt, người bệnh được xuất viện. Chỉ sau 7 ngày điều trị, người bệnh chuyển từ trạng thái nằm là chủ yếu sang có thể đi lại nhẹ nhàng, cơn đau giảm rõ rệt.
Bác sĩ Thắng cho biết, hiện nay, với sự kết hợp giữa các máy móc hiện đại và trình độ kỹ thuật chuyên môn cao của các bác sĩ, tỷ lệ điều trị thành công các bệnh lý về cột sống được nâng cao. Riêng đối với bệnh thoát vị đĩa đệm, nội soi đẩy lùi đáng kể nguy cơ liệt sau phẫu thuật, giải phóng người bệnh khỏi đau đớn, hạn chế được tổn thương các mô lành xung quanh, chăm sóc hậu phẫu dễ dàng hơn. Nhờ đó, chỉ vài ngày sau mổ, người bệnh có thể đi lại, sinh hoạt nhẹ nhàng. Trường hợp người bệnh cao tuổi hoặc mắc nhiều bệnh lý nền, nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có đa chuyên khoa để thuận tiện trong việc kiểm soát bệnh nền và xử lý biến chứng phát sinh.
* Tên người bệnh đã được thay đổi.
Comments are closed.