Nhiễm trùng vì lạm dụng “thuốc tiên”
Tự tăng liều thuốc giảm đau gấp 4 lần trong thời gian dài, chân phải ông B. sưng to gấp đôi, bị nhiễm trùng hoại tử, đau không đi được.
Từ một vết xước trên bàn chân, chỉ sau 1 tuần, cẳng chân ông N.T.B. (60 tuổi, Lâm Đồng) sưng gấp đôi bình thường, đau không đi được. Ông sốt cao, mệt li bì, được cấp cứu tại một cơ sở y tế ở TP.HCM, bác sĩ rạch dẫn lưu mủ ở bàn chân và cẳng chân, cắt lọc lớp da, mô bị hoại tử sâu gần tới xương, chăm sóc vết thương, điều trị nhiễm trùng.
Sau đó, ông chuyển qua một cơ sở y tế khác để ghép da vì vết thương quá rộng. Nhưng sau 3 ngày xuất viện, vết thương bốc mùi hôi thối, ông B. mở gạc băng, phát hiện vết thương chảy mủ, có màu đen. Ông được vợ đưa đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết ông B. nhập viện trong tình trạng vết thương hoại tử, chảy mủ, có mùi thối rữa. Người bệnh sốt, mệt li bì, nôn ói nhiều, ăn uống kém, suy kiệt, suy thận cấp, 2 chân teo cơ… vùng bụng, mặt, gáy tích nhiều mỡ, da khô, mỏng, nhiều vết xuất huyết dưới da. Ông B. có tiền sử uống thuốc giảm đau kéo dài.
Ông B. chia sẻ: “6 năm trước, tôi bị viêm xương khớp, thường đau nhức ở đầu gối và mắt cá chân. Đi khám 3 lần nhưng bệnh không khỏi hẳn, tôi nản lắm! Đến khi nhiều người trong xóm sử dụng thuốc chữa giảm đau nhức nhanh chóng, tôi tự tăng liều từ 4mg lên 16mg để uống hàng ngày, khi nào đau nhiều tôi uống nhiều hơn. Loại thuốc này ở quê tôi hay gọi là đề xa, thuốc tiên”.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, ông bị hội chứng Cushing (là bệnh nội tiết) do uống thuốc giảm đau có chứa corticoid trong thời gian dài làm ức chế tuyến thượng thận và khi ngừng thuốc đột ngột dẫn đến suy tuyến thượng thận cấp với chỉ số hormone cortisol thấp (113 nmol/l trong tình trạng stress nặng). Ông được chẩn đoán suy tuyến thượng thận, thiếu máu mức độ nặng, sỏi kẹt ở niệu quản trái gây thận ứ nước, tổn thương thận cấp nguyên nhân trước thận và sau thận, nhiễm trùng cẳng bàn chân phải, gút, suy kiệt.
“Nếu không được cứu chữa kịp thời, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng dẫn đến suy đa tạng, hạ huyết áp, thậm chí tử vong. Về tổn thương thận cấp không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể chuyển sang suy thận mạn và phải chạy thận nhân tạo”, bác sĩ Linh nói.
Bác sĩ Linh cho hay, vì sử dụng thuốc giảm đau có thành phần corticoid kéo dài nên ông B. bị hội chứng Cushing khiến da mỏng, dễ trầy xước, bị bầm xuất huyết rải rác, hệ miễn dịch suy yếu, dễ nhiễm trùng nặng, vết thương lâu lành, ăn kém, nôn ói, mệt mỏi…
Ông B. được bù nước, điện giải và dinh dưỡng, kháng sinh, giải quyết tắc nghẽn đường tiểu dưới, truyền máu, cắt lọc mô hoại tử và chăm sóc vết thương hàng ngày. Khi tình trạng nhiễm trùng ở hệ tiết niệu giảm, người bệnh được nội soi tán sỏi niệu quản. Sau 2 tuần, vùng da ở vết thương biểu mô hóa (là một trong những giai đoạn lành vết thương), hết nôn ói, hết nhiễm trùng, ông được ra viện.
Biến chứng nguy hiểm do lạm dụng thuốc
Bác sĩ Hồng Linh giải thích, “đề xa” là tên người dân thường gọi thuốc giảm đau. Thuốc này chứa corticoid có tác dụng giảm viêm mạnh vì vậy giúp giảm đau nhanh chóng nên nhiều người xem là “thuốc tiên”. Tuy nhiên, uống thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
“Hormone cortisol tiết ra từ tuyến thượng thận giúp kích thích thoái giáng (phân cắt) các chất dự trữ năng lượng của cơ thể (như: mỡ, protein, carbohydrate…), giảm chức năng gây viêm và chức năng miễn dịch, tăng sản xuất glucose làm tăng đường trong máu, kiểm soát chu kỳ ngủ và thức, khởi động các đáp ứng giao cảm đối với tác nhân gây stress, kích thích bài tiết axit dịch vị. Corticoid có trong thuốc kháng viêm cũng có tác dụng tương tự, do đó khi uống quá nhiều thuốc này làm tăng corticoid trong máu gây hội chứng Cushing”, bác sĩ Linh phân tích.
Bệnh gây các triệu chứng như: tăng cân nhanh, tụ mỡ ở mặt, gáy, bụng, ngực, da mỏng do teo lớp thượng bì và tổ chức dưới da, giãn mạch dưới da, trên da hay có những vết xuất huyết dù chỉ va chạm nhẹ. Những vết rạn da màu đỏ tím, rộng từ 0,5 – 2 cm, sờ có cảm giác lõm so với mặt da bình thường, hay có ở bụng, mông, đùi, nếp lằn vú, nách, vùng da sau đầu gối. Trường hợp nặng có thể rạn da toàn thân, vết thương chậm lành dễ nhiễm trùng, tăng huyết áp, loãng xương…
Nếu không điều trị hội chứng Cushing kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng như: loãng xương, gãy xương, tiểu đường type 2, hệ miễn dịch suy giảm, yếu cơ, tăng huyết áp… Khi ngừng uống thuốc đột ngột, cơ thể sẽ bị thiếu hụt hormone cortisol gây tình trạng suy tuyến thượng thận cấp đe dọa đến tính mạng.
Bác sĩ Linh khuyên người dân nếu có các triệu chứng bất thường cần đi khám và điều trị sớm. Không tự mua thuốc uống hay điều trị tại nhà dưới mọi hình thức. Ngoài ra, khi được bác sĩ kê đơn thuốc, người bệnh cần uống đúng và đủ liều, không tự mua thêm thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ; không tự tăng liều, bỏ thuốc.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Comments are closed.