Mùa xuân đầu tiên của người phụ nữ 11 năm tìm con
Đón con đầu lòng sau 11 năm hiếm muộn, 4 lần chửa ngoài tử cung và 3 lần lưu thai IVF, chị Hà tâm sự: “Làm mẹ mới có Tết”.
Ngày 30/1/2024, tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị Kim Hà (40 tuổi) nựng con trước giờ xuất viện sau hành trình thai nghén vất vả: “Mèo Béo à, mẹ đã mong con biết bao lâu”. Anh Thông ngồi kế bên ánh nhìn cảm kích nói: “Cảm ơn vợ vì dù vất vả, đau đớn vẫn không bỏ cuộc”.
BS.CKI Phan Ngọc Quý cho biết chị Hà đến IVF Tâm Anh năm 2019, tiền sử sản khoa phức tạp với 7 lần mang thai nhưng chưa được làm mẹ. Bốn lần thai ngoài tử cung, ống cổ tử cung cao hơn bình thường, u xơ nhiều… nên chị khó giữ thai.
Anh Thông từng khuyên vợ dừng việc tìm con, chấp nhận số phận sau bao nhiêu năm nỗ lực không thành. Anh thương vợ phải vào viện như cơm bữa, đau đớn sau nhiều cuộc phẫu thuật, tâm lý thấp thỏm suốt nhiều năm.
Năm 2020, thêm lần nữa chị Hà bị thai lưu. Chị Hà không ngừng hy vọng, sau thất bại chị vực tinh thần đi tiếp. Anh Thông lại ủng hộ và đồng hành cùng vợ. “Hơn cô ấy 20 tuổi, tôi muốn cô ấy có con bầu bạn khi tuổi già”, người đàn ông nói. Năm 2023, quay trở lại IVF Tâm Anh chuyển phôi, chị quả quyết: “Tôi tin con sẽ đến”.
Chị được bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) hỗ trợ niêm mạc trước chuyển phôi. Chị Hà đã đối mặt với nguy cơ sảy thai lúc 7 tuần, phải sử dụng thuốc giảm co để giữ thai. Vượt qua 3 tháng đầu tiên thai kỳ, chị mừng rơi nước mắt.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết không chỉ khó khăn giữ thai, chị Hà đối mặt với hành trình thai nghén kịch tính.
Tuần 24 thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ cần theo dõi, điều trị chặt chẽ. Tuần thai 32, huyết áp chị Hà lên tới 162/105 mmHg, nguy cơ tiền sản giật cao, cần nằm viện theo dõi và điều trị.
Tuần 36, chị có biểu hiện tiền sản giật phù, tăng huyết áp, đau đầu, mờ mắt; bác sĩ Hiền Lê quyết định mổ lấy thai đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Em bé được chuyển khoa Sơ sinh chăm sóc tích cực ngay sau khi ra đời. Sau 3 tuần, mẹ con khỏe mạnh chuẩn bị xuất viện, em bé nặng 3.2kg.

Theo bác sĩ Quý, phụ nữ từ 35 – 45 tuổi như trường hợp chị Hà tiềm ẩn nguy cơ sảy thai cao hơn, với tỷ lệ lên 50% so với 20 – 35% ở phụ nữ trẻ. Các bệnh lý nguy cơ thường gặp bao gồm: bất thường về miễn dịch và hormone, rối loạn nhiễm sắc thể và gen di truyền, dị tật nặng; bất thường trong cấu trúc giải phẫu tử cung của người phụ nữ; nhiễm trùng… một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Qúy khuyến cáo, phụ nữ trước khi thực hiện IVF cần được kiểm tra toàn diện sức khỏe, trước chuyển phôi chuẩn bị niêm mạc là khâu quan trọng, sau chuyển phôi nếu có thai cần được theo dõi chặt chẽ.
Phương pháp bơm huyết tương giàu tiểu cầu làm tăng độ dày niêm mạc, không chỉ giúp thai làm tổ tốt mà còn tăng độ bám dính cho thai. Lý do là huyết tương giàu tiểu cầu tự thân kích thích quá trình tăng sinh, hình thành mạch.
PRP được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực y tế, trong hỗ trợ sinh sản hiệu quả đáng kể cải thiện chất lượng, độ dày và khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung, nhờ đó có thể điều trị thất bại làm tổ, sảy thai liên tiếp có kết quả tốt hơn.
Bác sĩ Quý nhấn mạnh yếu tố quan trọng tăng tỷ lệ thành công IVF là tâm lý. Ngoài việc phụ nữ tin tưởng vào phương pháp điều trị, đồng hành về tinh thần của người chồng là ‘liều thuốc’ hữu hiệu.
“Phụ nữ trong thai kỳ IVF cần nhiều sự quan tâm hơn. Người chồng cần trang bị kiến thức, nhận biết thay đổi tâm lý của vợ, để hỗ trợ, động viên, là chỗ dựa về mặt tinh thần cho vợ”, bác sĩ tâm lý – tâm thần, ThS.BS Phạm Văn Dương (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) cho hay.
Trường hợp chị Hà ngoài phương pháp điều trị phù hợp, ‘đánh trúng’ nguyên nhân thất bại, tâm lý vững vàng của chị Hà và động viên của chồng là tác nhân hỗ trợ kết quả IVF thành công.
Comments are closed.