Mổ ung thư tuyến giáp cho người bệnh có tiền sử nhồi máu cơ tim
Anh Lâm, 36 tuổi, có tiền sử nhồi máu cơ tim phải duy trì thuốc kháng đông, gần đây phát hiện ung thư tuyến giáp, được bác sĩ lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật.
Anh Lâm, ngụ Bình Dương, bị nhồi máu cơ tim cấp năm 2021, phải can thiệp đặt hai stent mạch vành, dùng thuốc kháng đông đều đặn cho đến nay. Tháng 1/2024, anh khám sức khỏe tổng quát phát hiện hai khối u nằm ở hai thùy tuyến giáp, kích thước 1.5 cm và 2 cm. Bác sĩ tiến hành chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) chẩn đoán carcinom tuyến giáp dạng nhú (một dạng ung thư tuyến giáp).
Ngày 2/2, ThS.BS Nguyễn Hồng Vinh, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Lâm nhập viện trong tình trạng suy tim nặng (chỉ số chức năng co bóp của thất trái – EF chỉ còn 28%, người bình thường > 50%). Đây là biến chứng sau nhồi máu cơ tim cấp mà người bệnh gặp phải cách đây ba năm. Điều này gây khó khăn rất lớn cho bác sĩ nếu phẫu thuật cắt bỏ u giáp.
Chỉ số EF của bệnh nhân giảm nghiêm trọng, nếu phải trải qua ca mổ lớn, chức năng co bóp cơ tim dễ bị rối loạn, có nguy cơ đột tử trong và sau mổ.
Ngoài ra, bệnh nhân vẫn đang sử dụng thuốc chống đông để phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Do đó, nguy cơ chảy máu cao, dễ gặp phải những vấn đề như cuộc mổ kéo dài, tình trạng hậu phẫu nặng.
Sau khi lên kế hoạch cho ca mổ, bác sĩ gây mê sử dụng lượng thuốc mê vừa phải, tránh để bệnh nhân ngủ quá sâu dễ dẫn đến huyết áp tụt, tưới máu cơ tim giảm xuống gây ảnh hưởng tới chức năng tim. Bác sĩ sử dụng kỹ thuật bóc tách bộc lộ rõ mạch máu, dùng dao siêu âm để để cắt và cầm máu.
Bác sĩ Vinh đánh giá bệnh nhân trẻ, hút thuốc lá, dùng thuốc chống đông nên mô giáp xơ dính nhiều, bóc tách khó và dễ chảy máu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực hiện các ca mổ khó và phức tạp, sau hai giờ, hai khối u giáp cùng các hạch nhỏ xung quanh được bóc tách hoàn toàn, tránh nguy cơ tái phát hoặc di căn.
Sau mổ, anh Lâm không xuất hiện các triệu chứng tim mạch bất thường như đau ngực, khó thở. Hệ thống thần kinh quặt ngược và tuyến cận giáp được bảo tồn. Người bệnh không bị biến chứng tê tay hay khàn giọng, xuất viện sau hai ngày.
Ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào ác tính hình thành từ các tế bào của tuyến giáp. Tuyến giáp bao gồm hai thùy hình cánh bướm và một eo kết nối chúng, có vai trò tổng hợp và tiết các hormone tuyến giáp tham gia vào trao đổi chất cơ bản của cơ thể, tác động tới nhịp tim, hoạt động của các cơ quan…
Ung thư tuyến giáp có hai loại: ung thư tuyến giáp thể biệt hóa chiếm khoảng 90% và thể không biệt hóa khoảng 10%. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh ở giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu điển hình, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Khi khối u phát triển, triệu chứng gồm đau khi nuốt, khàn giọng, thay đổi giọng nói, sụt cân, mệt mỏi, sưng không đau ở phía trước cổ…
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp bao gồm phẫu thuật (cắt một thùy tuyến giáp hoặc cắt tuyến giáp hoàn toàn), liệu pháp iốt phóng xạ, thuốc nhắm trúng đích và liệu pháp hormone.
ThS.BS.CKI Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết hút thuốc lá không chỉ đẩy nhanh quá trình xơ vữa mạch máu gây bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim… mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý ung thư, trong đó có ung thư tuyến giáp.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như tia bức xạ, chế độ ăn thiếu hoặc thừa i ốt; nên ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, bỏ thuốc lá, không lạm dụng rượu bia. Người từ độ tuổi 40 và những người có các yếu tố nguy cơ nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến giáp 6-12 tháng một lần.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.