Loét chân không lành vì tắc mạch máu nuôi
Ông Phong, 67 tuổi, bị vết thương ở ngón chân mãi không lành, đến lúc nhiễm trùng đi khám mới phát hiện mạch máu nuôi chi tắc hẹp nặng.
Ông Phong (ngụ Q.3, TP HCM) có tiền sử hút thuốc lá, mắc bệnh đái tháo đường hơn 10 năm trước. Đến nay bệnh tiến triển, ông gần như mất hẳn cảm giác ở bàn chân. Đầu tháng 1/2024, ngón trỏ chân trái bị vết xước nhỏ nhưng ông không thấy đau. Ông tự thoa thuốc, băng vết thương, nghĩ vài ngày sẽ lành.
Một tuần sau, vết thương lan rộng, loét da, chảy mủ, ngón chân chuyển màu thâm tím, ông Phong đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám.
Ngày 6/2, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết bệnh nhân bị biến chứng bàn chân đái tháo đường, vết loét ở chân có dấu hiệu nhiễm trùng diễn tiến, nguy cơ đoạn chi rất cao. Bác sĩ tiến hành siêu âm đánh giá tình trạng tưới máu chi dưới, phát hiện một đoạn dài động mạch đùi nông (7 cm) bị hẹp nặng > 90% (động mạch đùi nông là mạch máu chính mang máu đi nuôi cẳng chân và bàn chân).
Bệnh nhân may mắn còn các nhánh mạch máu bàng hệ tưới máu cho bàn chân nên không thấy triệu chứng khó chịu. Đến khi xuất hiện vết xước ngón chân, máu tưới cho vùng này không đủ khiến vết thương lan rộng và loét không lành.
Ngoài ra, kết quả chụp CT-scan hệ mạch máu chi dưới còn ghi nhận bệnh nhân hẹp nặng (70%) động mạch chậu ngoài trái. Đây là động mạch chính dẫn máu đến nuôi chi dưới, động mạch này cũng cung cấp máu cho các cơ quan trong vùng chậu (bàng quang, âm hộ, âm đạo, tử cung, buồng trứng và dây chằng buồng trứng ở phụ nữ; tinh hoàn, niệu đạo và dương vật ở nam giới).
“Cả nguồn cung cấp máu gần và xa cho bàn chân của bệnh nhân đều bị thu hẹp. Nếu không nhanh chóng can thiệp mở rộng nguồn cung này, vết loét ngón chân sẽ tiếp tục lan lên cẳng chân, gây hoại tử và bệnh nhân buộc phải đoạn chi”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Bác sĩ tiến hành phẫu thuật Hybrid “2 trong 1” tái tưới máu động mạch chi dưới cho ông Phong. Bác sĩ mở rộng động mạch đùi, tạo cầu nối từ động mạch đùi xuống động mạch khoeo, đồng thời đặt stent đường kính 7 mm để nong động mạch chậu ngoài. Sau bốn giờ, thủ thuật kết thúc.
Ba ngày sau, bác sĩ đánh giá máu nuôi chi tốt, vết thương có khả năng lành. Bệnh nhân được cắt lọc ngón trỏ chân trái đã hoại tử, xử lý ổ nhiễm trùng và bảo tồn vùng da xung quanh. Ông Phong xuất viện 5 ngày sau mổ.

BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết hẹp động mạch chậu và hẹp động mạch đùi nông là bệnh lý mạch máu ngoại biên thường gặp ở người đái tháo đường, hút thuốc lá, tăng huyết áp, cholesterol cao, có người thân mắc bệnh động mạch ngoại biên hay bệnh tim, đột quỵ.
Bệnh ở giai đoạn nhẹ thường không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như cảm giác mỏi khi đi lại lâu. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây ra cơn đau cách hồi (cảm giác đau mỏi, khó chịu ở chân khi đi lại nhưng sẽ biến mất khi nghỉ ngơi). Trường hợp ông Phong, bệnh đã ở giai đoạn nặng, nhưng vì biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh lý đái tháo đường khiến ông mất cảm giác ở chi dưới nên không phát hiện sớm.
Hybrid là kỹ thuật hiện đại vừa tạo hình tái thông mạch máu vừa đặt stent động mạch. Phương pháp này giúp bệnh nhân không phải trải qua hai ca mổ lớn, tránh tổn hại sức khỏe, nhất là với những người cao tuổi có bệnh nền như ông Phong.
“Những người có các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu ngoại biên như thừa cân – béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử gia đình có bệnh lý động mạch ngoại biên nên khám tầm soát và phát hiện bệnh sớm, tránh bệnh tiến triển gây biến chứng nghiêm trọng”, bác sĩ Hiếu khuyến nghị.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Comments are closed.