Lạc nội mạc tử cung làm tắc ruột
Chị Diệu, 46 tuổi, đau bụng dữ dội, không thể đại tiện, bác sĩ phát hiện lạc nội mạc tử cung trên thành đại tràng.
Ngày 20/2, chị Diệu (46 tuổi, ngụ TP HCM) được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM do táo bón kèm những cơn đau bụng dữ dội. Qua khai thác bệnh sử, chị Diệu cho biết, khoảng 2 tháng gần đây, chị thường xuyên bị táo bón. Tình trạng này nặng hơn mỗi khi đến chu kỳ phụ nữ.
Đỉnh điểm là 2 ngày trước khi nhập viện, chị không thể đi đại tiện, những cơn đau quặn bụng hành chị đau phát khóc. Trước đó, chị Diệu cứ nghĩ đây là hiện tượng bình thường, có thể do thay đổi nội tiết trong những ngày “đèn đỏ” nên chủ quan không đi khám. Chỉ đến khi những cơn đau vượt quá sức chịu đựng, không thể đi tiêu nhiều ngày, bụng chướng chị mới đi khám.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa đã chỉ định cho người bệnh làm một số xét nghiệm chẩn đoán. Từ các biểu hiện khám lâm sàng và kết quả chụp chiếu, bác sĩ nhận định người bệnh bị bán tắc ruột (chưa tắc hoàn toàn) do viêm hẹp chỗ nối đại tràng sigma – trực tràng. Bác sĩ cũng nghi ngờ khả năng tắc ruột là do lạc nội mạc tử cung ở thành đại tràng.

Bác sĩ Quốc Thái cho biết, trường hợp bệnh nhân này cần điều trị sớm để tái thông đường tiêu hóa. Tuy nhiên, tình trạng của người bệnh khá phức tạp vì chỗ tổn thương có kích thước khá lớn 6,5 cm, thêm tình trạng viêm dính do bản chất bệnh nên trong quá trình phẫu thuật sẽ khó khăn khi phẫu tích và nhận diện cấu trúc của các cơ quan xung quanh sang thương cần bảo tồn. Thậm chí, vết mổ ngay vị trí này có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như chảy máu, xì rò miệng nối đại trực tràng.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, cắt đoạn ruột dài 20 cm, lấy trọn khối sang thương. Đồng thời bác sĩ cũng thực hiện nối ruột cho người bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện có 3 nang lạc nội mạc tử cung nên đã thực hiện cắt bỏ. Từng bước, ca phẫu thuật được bác sĩ thực hiện cẩn trọng.
Hậu phẫu, chị Diệu phục hồi tốt, không còn triệu chứng đau bụng, có thể ăn cháo, đi tiêu bình thường và được xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, tổn thương là do lạc nội mạc tử cung lành tính trong thành đại tràng gây chít hẹp lòng ruột, và lạc nội mạc tử cung lành tính trong hạch mạc treo và buồng trứng.
Bác sĩ Quốc Thái cho biết, lạc nội mạc tử cung xảy ra khi tế bào nội mạc tử cung xuất hiện ở ngoài tử cung phụ nữ (còn gọi là lạc chỗ). Tình trạng thường gặp nhất là lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng (chiếm gần 90%), trong lớp phúc mạc chậu; chỉ có khoảng 10% xuất hiện ở ruột.
Khi lớp niêm mạc đi lạc chỗ sẽ tạo ra các phản ứng viêm, gây đau vùng chậu mạn tính. Nếu lạc nội mạc trên đường tiêu hóa và không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển gây chướng bụng, tắc ruột, không thể đi tiêu.
Dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung thường đau bụng kinh nhiều, đau vùng chậu, xuất huyết tử cung bất thường. Trường hợp khối u lạc nội mạc to chèn ép cơ quan trong vùng bụng có thể gây táo bón, bí tiểu, đau khi giao hợp… Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, trường hợp lạc nội mạc phát hiện sớm, bác sĩ cân nhắc điều trị nội khoa.
Tuy lành tính, nhưng lạc nội mạc tử cung là bệnh mạn tính và phức tạp, có khả năng tái phát nhiều lần, ảnh hưởng chất lượng sống cũng như khả năng sinh sản của người bệnh. Do vậy, sau khi phẫu thuật giải quyết tình trạng tắc ruột, chị Diệu sẽ tiếp tục theo dõi, điều trị nội khoa với bác sĩ sản phụ khoa.
Bác sĩ Quốc Thái khuyến nghị, phụ nữ khi có triệu chứng bệnh bất thường về đường tiêu hóa, cần thăm khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
(*) Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Comments are closed.