Điều Dưỡng và Chuyên viên Hỗ trợ Y khoa – Hậu phương thầm lặng của khoa Ung Bướu

8 giờ sáng 24/2, điều dưỡng Phó Khoa Ung Bướu Thân Thị Hiền (39 tuổi) gõ nhẹ cửa bước vào phòng 114 ở tầng 1 khu C2 để chăm sóc một bệnh nhân nhập viện từ khoa Cấp Cứu do báng bụng, đau mỏi toàn thân và mệt nhiều.

Người bệnh là bà N.T.L. (63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) bị ung thư hạch ở nhiều vị trí (thượng đòn, trung thất, ổ bụng và bẹn trái). Bệnh nhân được điều trị nội khoa hỗ trợ, sau đó xác định chẩn đoán là bệnh ung thư hạch (lymphoma) ở nhiều vị trí trong cơ thể. Bệnh nhân có chỉ định điều trị bằng thuốc hóa trị truyền qua đường tĩnh mạch.

“Bây giờ con kiểm tra đường truyền dịch của cô nha. Hôm nay cô ăn uống được không?” – chị Hiền nhỏ nhẹ hỏi bệnh nhân. “Tinh thần cũng khuây khỏa nên cô ráng ăn chút cho có sức vượt qua bệnh” – bà L. nói. chị Hiền vừa trò chuyện vừa đo sinh hiệu (dấu hiệu sinh tồn) và kiểm tra đường truyền dịch của bệnh nhân. Sau đó chị mặc áo choàng, rửa tay sát khuẩn, mang găng tay y tế và bắt đầu truyền thuốc cho bệnh nhân.

63 tuổi, bà L. tưởng được an hưởng tuổi xế chiều bên con cháu. Nào ngờ, bà phát hiện bệnh ung thư ngay trong dịp Tết Nguyên Đán 2024. “Khi biết mình bệnh, tôi rất sốc, suy sụp tinh thần, sợ chồng con lo lắng, phải vất vả chăm sóc mình”, bà L. rơi nước mắt, tâm sự với chị Hiền và bày tỏ ý định buông xuôi, bỏ cuộc điều trị.

Nắm tay bà L., chị Hiền động viên: “Cô đã vượt qua những ngày khó khăn, giờ đã được chẩn đoán, có phác đồ điều trị tích cực thì mình nắm lấy cơ hội và điều trị đến cùng sẽ ổn nha cô”. bà L. như có thêm niềm tin, suy ngẫm một chút rồi gật đầu.

Bà L. cho biết: “Các bác sĩ, điều dưỡng, phục vụ, lao công… đều ân cần, giọng nói nhỏ nhẹ, hiểu và ghi nhớ từng tình trạng sức khỏe của tôi khiến tôi cảm thấy được quan tâm. Các bạn còn là người lắng nghe những nỗi lòng mà tôi khó chia sẻ với người thân, giúp tôi giải tỏa tâm lý, có thêm niềm tin vào việc điều trị để không chán nản, bỏ cuộc”.

Hơn 17 năm làm điều dưỡng, chị Thân Thị Hiền trở thành người thân của nhiều bệnh nhân ung thư lúc nào không hay. Nhớ những ngày đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân ung thư, chứng kiến cơn đau quằn quại và từng lời năn nỉ xin thuốc giảm đau, chị Hiền khóc và ám ảnh đến tận trong từng giấc ngủ.

Nhiều lần, khi có mặt với bác sĩ trong lúc tư vấn cho bệnh nhân và thân nhân về tình trạng bệnh; trước mặt họ, chị ráng kềm chế dòng nước mắt để làm điểm tựa về tinh thần cho bệnh nhân và thân nhân.

Cũng có lúc chị từng cảm thấy bất lực, hụt hẫng khi chăm sóc bệnh nhân từng ngày, nhưng phải chứng kiến việc thất bại trong điều trị. Điều này cũng có nghĩa bệnh nhân không vượt qua được bệnh ung thư và phải dừng sự sống. Thế nhưng, chị tự khích lệ mình phải cố gắng tập suy nghĩ tích cực hơn để có thể làm điểm tựa tinh thần cho họ.

Hiểu bệnh nhân ung thư thường mang tâm lý nặng nề, lo sợ về tương lai, sợ bị bỏ rơi nên chị luôn tận tình lắng nghe, an ủi họ. “Việc suy sụp tinh thần khiến bệnh nhân chán ăn, mất ngủ, căng thẳng, lo âu… dẫn đến khó “chiến đấu” với bệnh tật. Vì vậy, có thể hỗ trợ bệnh nhân giải tỏa lo lắng, vững chãi tinh thần hơn, tôi cũng thấy mình giúp được cho họ một phần, cùng đồng hành với họ trong quá trình điều trị”, chị Hiền chia sẻ.

Ngoài tận tình chăm sóc bệnh nhân, chị Hiền còn đặt ở khoa Ung Bướu nhiều cây xanh, chậu cây xương rồng như biểu tượng cho khát vọng sống để bệnh nhân có thêm niềm tin. “Khéo léo và tế nhị trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ” cũng là kim chỉ nam của bác sĩ, điều dưỡng… tại khoa Ung Bướu, với hy vọng giúp cho bệnh nhân vượt qua được những cảm xúc tiêu cực.

Chị Hiền tâm sự rằng “Bệnh nhân ung thư luôn gửi gắm mọi hy vọng vào bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế. Do vậy, chúng tôi tự nhắc nhở mình phải luôn giữ tinh thần lạc quan, tích cực và luôn tâm niệm cố gắng chăm sóc bệnh nhân theo cách tốt nhất có thể. Khi bệnh nhân ung thư có thêm niềm tin, cảm thấy được chăm sóc trong tình yêu thương và sự quan tâm nhiệt thành của đội ngũ nhân viên y tế, thì lòng tin chiến thắng bệnh tật sẽ càng cao hơn”.

Đảm bảo kết nối và hỗ trợ 24/24

Sự phối hợp chuyên môn từ bác sĩ, điều dưỡng, đặc biệt là chuyên viên hỗ trợ y khoa… tại Khoa Ung Bướu BVĐK Tâm Anh TP.HCM mang đến bệnh nhân ung thư sự chăm sóc mang đúng và đầy đủ nhất ý nghĩa “đảm bảo chăm sóc toàn diện về sức khỏe và tinh thần, liên kết mọi lúc mọi nơi trong suốt thời gian điều trị và theo dõi”.

Chị Nguyễn Thị Xuân Mai (32 tuổi) và chị Trần Thị Khánh Hạ (29 tuổi) là hai chuyên viên hỗ trợ y khoa phụ trách hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân cũng như thân nhân trong việc sắp xếp các bước chuẩn bị trước hóa trị, hỗ trợ trong và sau hóa trị, giúp việc điều trị được thuận lợi. Vô số các công việc không tên diễn ra thường ngày, tưởng chừng là việc nhỏ, nhưng nếu không được chuẩn bị chu đáo sẽ ảnh hưởng đến điều trị.

Ví dụ: nhập thông tin tính chi phí dự trù cho mỗi đợt điều trị của bệnh nhân; hỗ trợ đặt dự trù thuốc theo các chỉ định nhận từ bác sĩ; điều phối hỗ trợ bệnh nhân trong các chương trình hỗ trợ thuốc chữa bệnh ung thư; làm “con thoi truyền tin” từ bệnh nhân đến các bác sĩ và ngược lại; cùng với bác sĩ và điều dưỡng giúp thân nhân “nói dối bệnh nhân để tạm thời giấu bệnh” trong các trường hợp bệnh nhân chưa đủ bình tĩnh để tiếp nhận thông tin về căn bệnh ung thư…

Và còn rất nhiều những công việc không tên khác và câu hỏi từ bệnh nhân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Ví dụ: bệnh nhân được hẹn xét nghiệm máu tại địa phương lúc 7 giờ sáng nhưng quên, tới 7 giờ tối rồi, hết giờ làm việc của bác sĩ thì phải làm sao? Bệnh nhân chưa thực hiện xong các thủ tục hành chính về bảo hiểm y tế, có thể bổ sung sau hay không?

Hai chị sẽ nhận các thông tin cũng như hàng ngàn câu hỏi không giống nhau từ bệnh nhân, thân nhân; sau đó hai chị sẽ chuyển các câu hỏi này đến bác sĩ để được hướng dẫn phương án giải quyết cho bệnh nhân. Vị trí này giúp “lấp đầy các chỗ trống”, đảm bảo bệnh nhân và thân nhân luôn có được sự hướng dẫn từ bất kỳ thời điểm nào trong ngày, xuyên suốt 24/24 kể cả ngoài giờ làm việc cũng như trong các ngày nghỉ Lễ Tết.

Công việc bận rộn bất kể ngày đêm nhưng chưa bao giờ chị Mai và chị Hạ nản lòng. Những mệt mỏi ngay lập tức tan biến khi các chị nhận được nụ cười hiền và sự hài lòng, tin tưởng của bệnh nhân; từ đó giúp 2 chị có thêm động lực với nghề. “Bệnh nhân ung thư cần nhiều điểm tựa trong cuộc sống, khi họ an tâm, chúng tôi thấy sự chăm sóc của mình có ý nghĩa” – chị Mai nói.

Bà T.T.P. (48 tuổi, An Giang) bị ung thư vú vừa trở về nhà sau đợt hóa trị lần đầu gửi tin nhắn đến chị Hạ: “Hôm nay cô nôn nhiều, cô đã dùng toa thuốc uống mà bác sĩ cho mang về. Con hỏi bác sĩ giúp cô nên dùng thuốc gì hay cần quay lại bệnh viện khám nhé?”. “Dạ cô, con báo lại với bác sĩ rồi báo cô ngay ạ!” – chị Hạ ngay lập tức trả lời tin nhắn của bệnh nhân, đồng thời chuyển tin nhắn đến bác sĩ điều trị để tư vấn người bệnh xử trí kịp thời. Mỗi ngày, 24/24 bất kể sáng trưa chiều tối…, chị Hạ và chị Mai nhận rất nhiều tin nhắn với nhiều nội dung khác nhau và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, hai chị thường xuyên chủ động hỏi thăm và động viên bệnh nhân cũng như thân nhân để giúp họ an tâm và có tinh thần chiến đấu với căn bệnh. “Bệnh nhân ung thư có những nỗi bất an, lo sợ và thắc mắc về bệnh tình của mình. Thân nhân an ủi họ cũng không an tâm, chỉ cần nhân viên y tế trả lời, động viên là họ bớt căng thẳng, bình tĩnh hơn.

Do đó, chúng tôi luôn sát cánh với các bác sĩ và điều dưỡng trong việc đồng hành cùng bệnh nhân mọi lúc để giúp họ an tâm, vững tin”, chị Hạ tâm sự.

Chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân ung thư không chỉ là công việc của riêng bác sĩ, điều dưỡng hay chuyên viên hỗ trợ y khoa. Đó còn là trọng trách và niềm tự hào của việc “chia sẻ, cho đi sự yêu thương quan tâm, nhận lại niềm tin” từ bệnh nhân và thân nhân khi các chị lựa chọn công việc này.

Hiện khoa Ung Bướu BVĐK Tâm Anh TP.HCM hoạt động với quy mô 3 phòng khám, khu Hóa trị trong ngày với hệ thống phòng đơn và phòng chung đảm bảo sự riêng tư ấm cúng cho bệnh nhân khi truyền thuốc; và 16 giường bệnh nội trú đảm bảo cho việc chăm sóc giảm nhẹ, theo dõi sau hóa trị nếu cần nhập viện… được trang bị hiện đại với đầy đủ tiện nghi.

Ghế truyền hóa chất theo tiêu chuẩn Nhật Bản với thiết kế 3 động cơ thông minh giúp dễ dàng điều chỉnh độ cao, tư thế, nâng gập linh hoạt, có bàn ăn gắn kèm; khu vực điều trị có màn hình LED đảm bảo nhu cầu giải trí, thư giãn, riêng tư.

Khoa còn được đầu tư phòng pha chế hóa chất áp suất âm với máy pha chế cách ly vô trùng chuyên dụng theo tiêu chuẩn quốc tế (màng lọc ULPA có hiệu suất lọc 99.999% tạo vùng làm việc đạt chuẩn khí sạch ISO Class 3, phù hợp với tiêu chuẩn Dược điển Mỹ USP 797) bảo vệ tối ưu an toàn cho dược sĩ lâm sàng khi pha thuốc, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn của thuốc, cung cấp liều thuốc đạt độ chính xác cao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị.

Comments are closed.