Đau bụng một năm mới phát hiện do nguyên nhân hiếm gặp
Suốt một năm chịu đựng cơn đau vùng ngực – bụng, chị Mẫn, 40 tuổi, mới được phát hiện nguyên nhân là do tổn thương hiếm gặp ở mũi kiếm xương ức.
Tháng 1/2023, chị Mẫn (ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) đau bụng âm ỉ ở vùng trên rốn, ngay dưới mũi ức. Cơn đau dai dẳng cả ngày, tăng nặng khi cử động hay thay đổi tư thế. Khám ở bệnh viện địa phương, chị được siêu âm bụng, nội soi dạ dày phát hiện dạ dày viêm nhẹ, uống thuốc điều trị không cải thiện.
Gần đây, chị đau thường xuyên hơn. Cơn đau lan ra sau lưng kèm cảm giác nóng rát vùng ngực. Chị Mẫn thường xuyên mất ngủ, lo lắng nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chị đi nhiều bệnh viện, làm các xét nghiệm và cận lâm sàng vùng bụng nhưng không tìm ra nguyên nhân. Chị đến BVĐK Tâm Anh TP HCM thăm khám.
Ngày 23/1, ThS.BSNT Trần Thúc Khang, khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch cho biết, bệnh nhân đau ở vùng mũi ức – nơi rất dễ nhầm lẫn giữa bệnh lý dạ dày, bệnh mạch vành hay bệnh thần kinh liên sườn. Đây là lý do khiến nguyên nhân gây đau ở bệnh nhân Mẫn bị bỏ sót và không được xác định trong một thời gian dài.
Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ Khang cho rằng đây là triệu chứng đau do mũi kiếm xương ức gây ra (tiếng Anh gọi là Xiphodynia). Xương ức là một xương dẹt nằm trước ngực, cùng với các xương sườn và cột sống (phía sau) tạo thành khung xương lồng ngực. Xương ức bao gồm ba phần là cán xương ức (ở trên), thân xương ức (ở giữa) và mũi xương ức – còn gọi là mũi kiếm xương ức (ở dưới thấp).
Giữa các phần này được gắn kết bởi các khớp sợi bán động. Mũi kiếm xương ức thường nhỏ, dài và có gắn kết với các tổ chức phần mềm có nhiều đầu mút thần kinh. Khi khớp giữa thân – mũi kiếm xương ức bị cốt hóa, làm cho mũi kiếm xương ức “bất động” và gây đau.
Tỷ lệ mắc bệnh không được ghi nhận rõ, đa số các chuyên gia đều ghi nhận đây là loại tổn thương hiếm gặp. Về tiêu chuẩn chẩn đoán ở ca này, ngoài triệu chứng đau trực tiếp ở mũi ức khi thăm khám, hình ảnh phim chụp CT cho thấy mỏm mũi kiếm kéo dài (> 6 cm), khớp giữa thân và mũi kiếm xương ức bị vôi hóa và có khối sụn lớn (kích thước 3 x 2 x 1.5 cm). Chính khối sụn này đẩy mũi ức quặp vào phía sau gây đau.

Tuy nhiên, việc chẩn đoán cần phải loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây triệu chứng đau tương tự, chẳng hạn như cơn đau thắt ngực (bệnh mạch vành), bệnh lý dạ dày, ngay cả viêm tụy cấp cũng có triệu chứng tương tự. Do vậy, chị Mẫn được chỉ định chụp mạch vành, lồng ngực và nội soi dạ dày để loại trừ các tổn thương nêu trên.
ThS.BS Nguyễn Hồng Vinh, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch chia sẻ, tình trạng đau mũi ức thường được điều trị nội khoa (thuốc giảm đau, tiêm thuốc trực tiếp, chườm nóng hay lạnh…) và phẫu thuật. Tuy nhiên, chị Mẫn đã dùng đến ba loại thuốc giảm đau phối hợp và kéo dài nhưng tình trạng không cải thiện. Ngoài ra, khớp thân – mũi kiếm đã cốt hóa nên việc tiêm thuốc giảm đau không khắc phục được triệu chứng. Do đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt mũi ức cùng khối sụn ở khớp thân – mũi kiếm xương ức.
Sau mổ, chị Mẫn hết hẳn triệu chứng đau ngực – bụng, sinh hoạt bình thường và xuất viện ngay hôm sau. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy u xơ sụn lành tính.
“Nếu không phát hiện và điều trị chậm trễ, mức độ đau của bệnh nhân ngày càng trầm trọng, buộc phải uống nhiều loại thuốc giảm đau, về lâu dài gây biến chứng lên dạ dày, gan, thận… Đồng thời, vùng mũi ức bị viêm sẽ lan rộng làm tổn thương khu vực xung quanh”, bác sĩ Vinh nhấn mạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi gặp cơn đau mạn tính kéo dài ở vùng ngực – bụng, bệnh nhân cần đi khám sớm để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.