Bệnh nhân người Mỹ suýt đột tử do viêm cơ tim
Anh Robert, 36 tuổi, ngất ở khách sạn trước khi ra sân bay về Mỹ, cấp cứu tại bệnh viện Tâm Anh phát hiện tăng đường huyết, viêm cơ tim, không tuân thủ điều trị.
Anh Robert sang Việt Nam du lịch từ đầu tháng 1. Đến giờ ra sân bay trở về Mỹ nhưng nhân viên khách sạn không thấy khách hàng trả phòng bèn kiểm tra, phát hiện nam thanh niên nằm bất động trên sàn. Người bệnh được đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Ngày 18/2, ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy, Trưởng khoa Hồi sức Ngoại Tim mạch, cho biết anh Robert nhập viện trong tình trạng hôn mê, thở nhanh, huyết áp tụt (chỉ còn 75/45 mmHg). Xét nghiệm máu thấy đường huyết tăng rất cao, nhiễm toan ceton. Người bệnh có tiền sử đái tháo đường từ năm 30 tuổi nhưng không tuân thủ điều trị, thường xuyên bỏ thuốc.
Bác sĩ Huy lý giải, nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, đồng thời sản sinh quá nhiều axit trong máu (gọi là ceton), gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hóa protid, lipid và carbohydrate.
Đây là tình trạng cấp cứu nội khoa cần được theo dõi và điều trị tích cực vì có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não, thậm chí tử vong. Anh Robert được truyền insulin liên tục, dùng thuốc nâng huyết áp, bù dịch nhằm kiểm soát đường huyết, giảm ceton.
Tuy nhiên trong quá trình điều trị tích cực, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nặng, viêm cơ tim biến chứng suy tim (chức năng co bóp tim – EF giảm còn 15%, ở người bình thường trên 50%). Tình trạng rất nghiêm trọng, có thể đột tử nếu không phát hiện và điều trị. Bệnh nhân được thở oxy dòng cao, dùng kháng sinh, thuốc trợ tim song song với phác đồ điều trị tăng đường huyết.
Hai ngày sau cấp cứu, anh Robert có phản xạ tri giác, nói chuyện được. Sau một tuần, đường huyết ổn định, huyết áp duy trì ở mức 110/75 mmHg, không còn nhiễm trùng huyết, hết mệt, người bệnh bắt đầu xuống giường đi lại. Ở thời điểm xuất viện vào ngày thứ 10, chỉ số EF của anh đạt 40%. Bác sĩ khuyên anh tiếp tục điều trị đái tháo đường, viêm cơ tim sau khi về Mỹ.

Bác sĩ Huy thông tin, viêm cơ tim là tình trạng viêm toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim, do nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Đây được xem là phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại các tác nhân gây hại như khi nhiễm trùng hoặc chấn thương. Trường hợp bệnh nhân Robert, tác nhân gây viêm cơ tim có khả năng là do nhiễm trùng huyết.
Triệu chứng của viêm cơ tim được chia thành ba nhóm: nhóm không có triệu chứng, nhóm có triệu chứng điển hình (đau ngực, khó thở gắng sức, tim đập nhanh, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hụt hơi) và nhóm có triệu chứng nghiêm trọng (bệnh nhân gặp tình trạng sốc tim, mạch đập nhanh, huyết áp tụt). Như bệnh nhân Robert viêm cơ tim nhưng không biểu hiện triệu chứng. Nếu không ngất do nhiễm toan ceton và đến viện cấp cứu, anh vẫn chưa biết mình bị viêm cơ tim. Bệnh sẽ diễn tiến nghiêm trọng gây biến chứng suy tim, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim, đột tử.
Phương pháp điều trị viêm cơ tim phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Đối với viêm cơ tim nhẹ có thể tự khỏi, bệnh nhân dùng thuốc trong vài tháng là sẽ hồi phục hoàn toàn. Nhiều trường hợp viêm cơ tim tái phát khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Khi đó, tim bị tổn thương vĩnh viễn và người bệnh phải dùng thuốc suốt đời. Nếu bệnh nặng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) hoặc điều trị ngoại khoa (ghép tim).
Hiện chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho bệnh viêm cơ tim. Tuy nhiên, một số biện pháp giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh là vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn; tránh tiếp xúc với người bị bệnh, nhất là người đang bị cúm hoặc nhiễm virus; hạn chế chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá; quan hệ tình dục an toàn, tuyệt đối không dùng chung kim tiêm; tiêm các vaccine phòng bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Comments are closed.