Cụ bà người Pháp thuyên tắc phổi khi nhập cảnh Tân Sơn Nhất
Cụ Amabella Kiener, 80 tuổi, suy hô hấp tuần hoàn do tắc động mạch phổi sau chuyến bay 12 giờ, được can thiệp cấp cứu kịp thời, tránh tử vong do ngưng hô hấp tuần hoàn.
Cụ Amabella Kiener, quốc tịch Pháp, cùng chồng bay từ Pháp sang Việt Nam. Sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bà có dấu hiệu say xẩm, chóng mặt, thở mệt.
Bà được sơ cứu tại sân bay và nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 13/1, BS.CKI Đặng Thị Oanh – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các chỉ số của người bệnh ở mức nguy kịch: huyết áp tụt (75/45 mmHg), suy hô hấp với oxy máu thấp. Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức: thở oxy, truyền dịch, vận mạch và thực hiện các cận lâm sàng để có chẩn đoán (nghĩ đến thuyên tắc phổi cấp).
Kết quả siêu âm tim, chụp CT ngực 768 lát cắt cho thấy tắc động mạch phổi cấp tính nhánh lớn hai bên. Chẩn đoán được xác định: bệnh nhân bị thuyên tắc phổi cấp, nguy cơ cao, được chuyển lên khoa hồi sức tích cực.
BS.CKI Đoàn Quốc Anh – Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU) cho hội chẩn khẩn với bác sĩ tim mạch, quyết định điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho cụ bà. Bà đáp ứng tốt với điều trị: huyết động ổn định, ngưng được thuốc vận mạch và không xảy ra biến chứng điều trị tiêu sợi huyết. Bệnh nhân được điều trị tiếp tại khoa hồi sức nội tim mạch với thuốc chống đông; huyết động ổn định trong suốt thời gian nằm viện.
BS.CKI Lê Thị Hồng Hạnh, khoa Hồi sức Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết: các bệnh nhân bị thuyên tắc phổi cấp thường có yếu tố nguy cơ khởi phát như rối loạn tăng đông máu, ung thư, béo phì… Bệnh nhân được kiểm tra chuyên sâu để tìm các yếu tố nguy cơ trên, từ đó có hướng điều trị phòng ngừa thuyên tắc phổi tái phát.
Kết quả chụp mạch vành bình thường. Chụp CT ngực – bụng, X-quang và xét nghiệm máu loại trừ các bệnh lý ung thư liên quan. Do đó, khả năng cao là do bệnh nhân thừa cân (BMI 25,47), đi máy bay đường dài và ít vận động.

Thuyên tắc phổi cấp tính là bệnh lý tim mạch phổ biến thứ ba trong các loại bệnh tim mạch, sau bệnh động vành và đột quỵ, với tỷ lệ mắc dao động từ 39 – 115/100.000 dân số hàng năm. Tình trạng này xảy ra khi cục máu đông hình thành trong hệ tĩnh mạch, thường gặp ở chân, làm tắc nghẽn mạch máu. Huyết khối ở tĩnh mạch có nguy cơ vỡ hoặc bong tróc và di chuyển đến mạch máu phổi, gây thuyên tắc động mạch phổi.
Tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn động mạch phổi, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng mệt, tức ngực, khó thở, suy hô hấp tuần hoàn và tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
BS.CKI Dương Thị Nguyệt Anh, khoa Hồi sức Nội tim mạch, khuyến cáo, người có cơ địa thừa cân – béo phì, người có tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch, thậm chí người có sức khỏe bình thường, khi đi máy bay đường dài không nên ngồi im một chỗ quá lâu (từ 4 giờ trở lên là có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch).
Cần vận động tại chỗ như lắc chân, co duỗi chân, tự xoa bóp tay chân để lưu thông máu tốt. Không vắt chéo chân vì tư thế này làm cản trở lưu thông máu, dễ gây huyết khối. Phải uống nước đầy đủ, tránh uống thức uống chứa cồn. Người lớn tuổi, thừa cân, béo phì nếu sắp đi máy bay thì nên đi khám và tầm soát các nguy cơ trước chuyến đi. Người bị suy giãn tĩnh mạch nên mang vớ tĩnh mạch. Bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông cần duy trì thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu đang mắc các bệnh lý tim mạch, bệnh lý mạch máu, nên đi khám bệnh định kỳ để có chế độ theo dõi và điều trị thích hợp, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Tên bệnh nhân đã thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.