Bắt bệnh qua dòng nước tiểu
“Bắt mạch” cho bàng quang
9 giờ sáng 8/1, anh Đ.K.Q. (42 tuổi, TP.HCM) đến phòng 205 khu Khám bệnh Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, để đo áp lực đồ bàng quang (bọng đái). “Gần đây, tôi khó nhịn tiểu, phải đi tiểu ngay khi mắc tiểu, mỗi lần tiểu phải rặn lâu”, anh Q. nói.
Bác sĩ nghi ngờ tình trạng trên liên quan đến chức năng bàng quang nên chỉ định anh Q. thực hiện đo áp lực bàng quang.
Anh Q. được kỹ thuật viên Trần Trọng Dương hướng dẫn thay trang phục bệnh viện rồi nằm ngửa trên giường thủ thuật, hai chân mở rộng đặt trên bệ đỡ.
Tiếp theo, kỹ thuật viên Dương lần lượt đặt 1 catheter (ống thông) vào bàng quang thông qua niệu đạo và 1 catheter khác vào trực tràng qua hậu môn, dán 3 miếng dán điện cực vào mặt trong đùi phải (đoạn gần đầu gối) và hai bên bẹn (vị trí gần hậu môn).
Trong quá trình thực hiện, kỹ thuật viên Dương nói chuyện, giải thích phương pháp giúp anh Q. hiểu và cảm thấy thoải mái, bớt e ngại, giúp kết quả đo chính xác nhất.
Nước muối sinh lý được bơm từ từ vào bàng quang của anh Q. qua ống thông. Điều này nhằm mô phỏng hoạt động các cơ bàng quang và cơ sàn chậu từ lúc bàng quang rỗng đến khi căng lên và mắc tiểu. Trên màn hình máy tính, 4 đường sóng màu xanh dương, cam, xanh lá cây, đen bắt đầu dao động lên xuống và di chuyển từ trái sang phải.
Tiến sĩ bác sĩ Lê Phúc Liên, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, giải thích bàng quang đầy nước sẽ căng lên, cơ bàng quang (cơ detrusor) và cơ sàn chậu khi hoạt động sẽ phát ra tín hiệu điện. Tín hiệu này được các miếng dán điện cực và 2 catheter thu nhận, truyền về máy tính, thể hiện bằng những đường sóng giống nhịp tim.

Bác sĩ bắt đầu ghi nhận thời điểm anh Q. có cảm giác mắc tiểu đầu tiên. Đến khi anh muốn đi tiểu, bác sĩ yêu cầu anh cố gắng nhịn; thỉnh thoảng bảo anh ho để kiểm tra các ống thông và điện cực vẫn đang hoạt động tốt và đánh giá khả năng giữ nước tiểu của bàng quang khi bình thường và khi gắng sức.
Sau 10 phút, “sức chịu đựng” của anh Q. tới giới hạn, điều dưỡng Dương đỡ người bệnh bước xuống giường thủ thuật để đi tiểu vào một thiết bị đặc biệt, phần trên giống mặt bồn cầu, phần dưới đặt phễu chứa. Thiết bị này có bộ phận cảm biến giúp đo tốc độ dòng nước tiểu nhằm đánh giá khả năng tống xuất nước tiểu của bàng quang.
Kết quả cho thấy cảm giác bàng quang bình thường, độ giãn nở bàng quang giảm, cơ detrusor co bóp bất thường trong quá trình đổ đầy bàng quang, không són tiểu khi ho. Dung tích bàng quang 500ml (dung tích bàng quang bình thường là 200-350ml), cơ detrusor co bóp tốt 40cm/s, tốc độ dòng tiểu tối đa 20ml/s. Không có nước tiểu tồn đọng trong bàng quang sau khi tiểu xong. Bác sĩ chẩn đoán anh Q. mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt.
Anh Q. là người đầu tiên trong 3 người thực hiện đo áp lực bàng quang sáng 8/1.
Tìm bệnh đường tiểu không rõ nguyên nhân
Bác sĩ Lê Phúc Liên cho biết niệu động học là xét nghiệm gồm nhiều phép đo như: đo áp lực bàng quang, niệu dòng đồ, đo thể tích nước tiểu tồn lưu, đo điện cơ và xét nghiệm bằng video có sự trợ giúp của X-quang. Trong đó, đo áp lực bàng quang là xét nghiệm đem lại nhiều thông tin quan trọng nhất.
Trong trường hợp người bệnh mắc rối loạn đường tiểu dưới không rõ nguyên nhân sau khi đã làm các xét nghiệm đường tiết niệu khác như: xét nghiệm nước tiểu, PSA máu (xét nghiệm tuyến tiền liệt ở nam giới), siêu âm hay chụp CT đối với sỏi tiết niệu… mà không tìm ra bệnh, hoặc sau khi điều trị không cải thiện, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm niệu động học.
Trên thế giới, niệu động học là xét nghiệm đường tiết niệu phổ biến. Số liệu của Data Bridge Market Research cho thấy chi phí người bệnh bỏ ra làm xét nghiệm niệu động học trong năm 2021 là 337,34 triệu USD, ước tính sẽ đạt 643,13 triệu USD vào năm 2029. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, số lượt xét nghiệm niệu động học cũng có xu hướng tăng, từ 8 lượt trong tháng 8/2023 lên trên 20 lượt trong tháng 12/2023.
Nguyên nhân do dân số xu hướng già hóa, mắc nhiều bệnh ảnh hưởng đến chức năng đường tiểu dưới như đái tháo đường, Parkinson, bệnh lý thần kinh cột sống nên số lượng người mắc rối loạn đường tiểu dưới gia tăng. Ngoài ra, do ý thức chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh sớm của người dân đang ngày càng nâng cao nên người bệnh chủ động đi khám bệnh sớm.
Bác sĩ Liên khuyến cáo người gặp tình trạng són tiểu, tiểu không tự chủ, tiểu nhiều lần, tiểu gấp, không thể nhịn tiểu, dòng nước tiểu yếu, phải rặn tiểu lâu… không rõ nguyên nhân cần đo niệu động học phải đến cơ sở y tế có khoa Tiết niệu khám. Nên lựa chọn cơ sở được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc, có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn; tránh nguy cơ nhiễm trùng, đau, tăng huyết áp, nhịp tim do thực hiện sai kỹ thuật. Ngoài ra, cần đến gặp bác sĩ ngay khi có biểu hiện sốt, ớn lạnh, đau kéo dài… sau xét nghiệm.
Người gặp rối loạn đường tiểu dưới liên quan đến bàng quang nên uống nhiều nước (1,5-2 lít/ngày) để làm loãng nước tiểu, giảm kích thích bàng quang. Đồng thời, cần tránh các đồ uống dễ kích thích bàng quang như: bia rượu, cà phê, nước có ga, trà đặc, nước ép có tính axit (nước cam, canh, bưởi, dứa, cà chua…).
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.