Suýt ngưng tim vì không biết mạch vành tắc nghẽn nặng
Bà Hoàn, 75 tuổi, mắc bệnh mạch vành nhiều năm mà không biết, đến khi bị nhồi máu cơ tim mới nhập viện thì tình trạng rất nghiêm trọng, nguy cơ ngưng tim cao.
Sức khỏe bà Hoàn (ngụ Q.Phú Nhuận TP HCM) trước nay không có dấu hiệu bất thường nên bà không đi khám định kỳ. Một ngày cuối tháng 1, bà đang ngồi ở nhà thì đột ngột khó thở dữ dội, choáng váng, vã mồ hôi. Bà được đưa đến Bệnh viện Tâm Anh cấp cứu.
Ngày 6/2, BS.CKI Lê Văn Tuyến, Trung tâm Can thiệp Mạch cho biết, bệnh nhân đến viện trong trạng thái huyết áp tụt kèm khó thở dữ dội, các bác sĩ nhanh chóng sử dụng thuốc vận mạch để nâng huyết áp cho bà. Ngoài ra, siêu âm tim phát hiện bà bị suy tim nặng, chức năng co bóp thất trái – EF chỉ còn 10 – 15%. Điều này chứng tỏ bà Hoàn đã mắc bệnh lý tim mạch từ lâu mà không được phát hiện và điều trị, bệnh tiến triển âm thầm gây biến chứng suy tim, nhồi máu cơ tim.
Nghi ngờ nguyên nhân gây nên tình trạng này là do bệnh mạch vành, bác sĩ chỉ định chụp mạch vành cho bệnh nhân. Kết quả xác định hẹp khít lỗ xuất phát động mạch vành trái, khiến mạch máu tim mỏng dính như sợi chỉ trên phim chụp mạch vành. “Bệnh nhân trong trạng thái rất nguy kịch: huyết áp không ổn định, tim co bóp thoi thóp”, bác sĩ Tuyến chia sẻ.
Lập tức, ê kíp chạy đua với thời gian để cứu trái tim cho người bệnh. Ê kíp vừa tiến hành hồi sức, nâng huyết áp, đồng thời tiến hành tái thông nhánh mạch vành tắc nghẽn. Tuy nhiên, ca can thiệp gặp trở ngại vì bệnh nhân khó thở, dễ bị kích thích trong lúc tiến hành can thiệp.
Hơn nữa, huyết áp người bệnh đang thấp, mỗi lần bác sĩ đưa ống thông vào mạch vành gây cản trở dòng máu càng khiến huyết áp tụt sâu hơn. Thách thức này gây khó khăn rất lớn cho ê kíp, buộc các bác sĩ phải tìm phương án khả thi hơn, mục tiêu là rút ngắn thời gian can thiệp đồng thời đảm bảo chức năng tim cho bệnh nhân trong suốt quá trình làm thủ thuật.

Sau đó, ê kíp quyết định sử dụng kỹ thuật floating wire – dùng 3 sợi dây dẫn trong cùng một thủ thuật. Sợi dây dẫn đầu tiên đi vào nhánh mạch máu phụ nuôi tim, mục đích ổn định ống thông; sợi thứ hai nằm phía ngoài mạch vành, tránh tình trạng ống thông bị đưa vào mạch vành quá sâu gây tụt huyết áp, không thể tiếp tục can thiệp; sợi thứ ba được khéo léo đi qua vị trí tắc nghẽn nặng để nong rộng mạch máu, mở đường cho việc đưa stent vào tái thông mạch vành.
Nhờ thao tác nhanh gọn, chuẩn xác, huyết áp và nhịp tim bệnh nhân được giữ ổn định. Chỉ sau 30 phút, ca can thiệp kết thúc thành công.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp Mạch, ví thành công này như “bàn thắng phút 89” bởi bệnh nhân được đưa tới viện quá muộn, các nhánh mạch máu chính nuôi tim đã tắc gần hết, dọa ngưng tim. Các bác sĩ phải rút ngắn tối đa thời gian can thiệp, tìm kỹ thuật phù hợp để “ghi bàn” phút chót. Một stent kích thước 3.5 mm được đặt vào mạch vành trái, khơi thông dòng máu nuôi tim và giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử.
Sau thủ thuật, bà Hoàn hết khó thở, sức khỏe ổn định, chức năng co bóp cơ tim cải thiện rõ rệt (EF đạt 35% vào ngày thứ hai sau can thiệp và tăng dần sau đó. Bà được xuất viện 5 ngày sau đó.
Bác sĩ Long thông tin, bệnh mạch vành xảy ra khi các mạch máu chính cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng xơ vữa. Khác với hội chứng động mạch vành cấp (mạch vành bị tắc nghẽn cấp tính do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc do huyết khối), bệnh mạch vành mạn thường xảy ra âm thầm và tiến triển trong nhiều thập kỷ.
Đến khi mạch máu hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn, bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, mệt mỏi… Lúc này bệnh đã tiến triển nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí đột tử.
Để phòng tránh bệnh mạch vành, mỗi người (kể cả các bạn ở độ tuổi 20 – 30), đặc biệt người có bố mắc bệnh này và tử vong khi dưới 65 tuổi, mẹ dưới 60 tuổi cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, tránh thừa cân – béo phì, tập thể dục đều đặn, có kế hoạch khám sức khỏe tim mạch 6 tháng/lần để tầm soát sớm.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Comments are closed.