Hành trình sóng gió của cặp đôi bách hợp IVF để sinh con
Vượt qua định kiến xã hội để đến với nhau, Tết 2024, cặp đôi Quỳnh Bích – Thanh Diệu hạnh phúc đón con trai chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm.
Những ngày cuối tháng Chạp, muôn hoa đua nở báo hiệu mùa Xuân về, tiệm spa của Thanh Diệu ở Đăk Lăk tấp nập khách đến làm đẹp đón Tết. Cô gái 29 tuổi tươi cười tư vấn cho khách hàng, sắp xếp nhân viên, dù mới sinh con được 3 tháng. Cách đó không xa, ở gian trong, Quỳnh Bích tất bật thay “vợ” chăm sóc con là bé Minh Quân vừa chào đời. Cậu bé ăn ngoan, ít quấy khóc và rất quấn mẹ Bích.
Bích cẩn thận chọn cho con bộ đồ đỏ đẹp nhất, mong trong năm “Rồng” con được nhiều may mắn, khỏe mạnh, bình an. Nhìn con hay cười, ngủ ngoan trong vòng tay, Quỳnh Bích và Thanh Diệu cũng mỉm cười mãn nguyện dẫu hành trình phía trước có thêm nhiều gian nan.
Thanh Diệu (28 tuổi, ngụ Đăk Lăk) “come out” (công khai giới tính) từ năm 2013. Vốn nhạy cảm, nữ tính, hành trình tìm lại chính mình của cô gặp rất nhiều gian nan, bởi thời điểm đó vẫn nhiều người lạ lẫm, kỳ thị. Diệu và bố mẹ bị người đời dù không thân quen chỉ trỏ, dèm pha. Chịu áp lực từ nhiều phía, nhiều lần Diệu bị bố mẹ thúc ép lấy chồng và sinh con khiến cô gần như rơi vào trầm cảm.
“Lúc đó mình cảm thấy đơn độc, tủi hờn, trong khi đâu phải lỗi của mình”, Diệu nói, và nói suốt 10 năm cô kiên cường vượt qua mọi định kiến. Đến gần đây, những người xung quanh và gia đình bắt đầu cởi mở hơn, cô mới dần được chấp nhận.
Khác với Diệu, Quỳnh Bích (25 tuổi, ngụ Đăk Lăk) mạnh mẽ, cá tính, là nữ võ sư trẻ môn Kickboxing và võ cổ truyền Việt Nam, từng nhận nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. “Come out” nhiều năm trước, Bích may mắn bởi gia đình luôn tôn trọng và đồng hành. Năm 2020, họ gặp nhau, yêu thương và bù đắp cho nhau.
Sống xa bố mẹ từ nhỏ, Thanh Diệu khát khao cháy bỏng được làm mẹ nhưng nhiều lần trì hoãn vì định kiến. Đầu năm 2023, Bích ủng hộ ước mơ của bạn đời, cả hai quyết tâm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) thực hiện thụ tinh ống nghiệm, hiện thực hóa ước mơ có con.
Theo ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến, để thụ thai cần có tinh trùng của người nam, trứng và tử cung của người nữ. Các đôi đồng giới thiếu ít nhất một trong các yếu tố trên. Trường hợp đồng tính nữ như Diệu – Bích có thể xin mẫu từ ngân hàng tinh trùng với tư cách là mẹ đơn thân rồi thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF) giúp tỷ lệ đậu thai cao, sớm hiện thực ước mơ có con.
Diệu tự nguyện là người sẽ mang thai và sinh con, để Bích được an tâm tập luyện và thi đấu. Họ nhờ một người bạn thân hoán đổi tinh trùng với ngân hàng của bệnh viện, để đổi lấy một mẫu tinh trùng ẩn danh đang trữ trong ngân hàng.
Theo quy định, người hiến tinh trùng phải trên 20 tuổi, không được mắc các bệnh di truyền, tâm thần, viêm gan siêu vi B/C, lậu, giang mai, HIV… Bên cạnh đó, cần có sức khỏe sinh sản khỏe mạnh, đáp ứng các tiêu chuẩn, tinh dịch đồ có thể tích tinh dịch 2-5 ml/lần xuất tinh, mật độ từ 15 triệu tinh trùng/ml trở lên, tỷ lệ di động trên 40%.
Sau 4 tháng, người bạn được thực hiện nhiều kiểm tra sức khỏe tổng thể, xét nghiệm tinh dịch, tham vấn tâm lý với chuyên viên để loại trừ nguy cơ mắc các bệnh lý di truyền hoặc tâm thần cho trẻ sinh ra sau này. Khi đảm bảo chất lượng, số lượng tinh binh đủ tiêu chuẩn “nhập kho”, Diệu mới được bệnh viện đổi lại một mẫu tinh trùng ẩn danh để làm IVF.
Diệu có thể trạng gầy yếu và tình trạng u tuyến giáp, do đó được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng và yêu cầu tăng cân để có đủ sức khỏe cho quá trình mang thai.
Đầu năm 2023, Bích thi đấu xa nhà, Diệu một mình từ Đăk Lăk đến TP HCM tiêm thuốc nội tiết kích thích buồng trứng. Bác sĩ Yến cho biết Diệu còn trẻ nên dự trữ buồng trứng dồi dào. Bác sĩ chọc hút, thu được 17 trứng, thụ tinh ống nghiệm cùng tinh trùng hiến tặng tạo được 6 phôi ngày 5 chất lượng tốt. Bác sĩ chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển một phôi chất lượng tốt giúp cô đậu thai.
“Trong vòng 7 ngày sau đó mình có cảm giác con đã ở trong bụng. Mình thử thai, que hiện hai vạch khiến mình khóc òa vì hạnh phúc, bởi hành trình chẳng dễ dàng như bao người khác”, Diệu xúc động nói.

Thể trạng yếu, dị ứng thuốc giảm đau, hành trình mang thai của Diệu cũng gặp nhiều khó khăn, hai lần dọa sinh non, may mắn được bệnh viện địa phương điều trị giữ thai kịp thời. Cuối tháng 10/2023, Diệu được chỉ định sinh thường nhưng khó sinh, kiệt sức, phải mổ cấp cứu. Bé trai 2,6kg khỏe mạnh chào đời nhờ phương pháp sinh mổ.
Trong phòng mổ, cô không kìm được nước mắt khi con trai bé bỏng được đặt lên ngực mình, da kề da với con. Đồng hành cùng “vợ” trong suốt hành trình vượt cạn, Quỳnh Bích cũng đứng ngồi không yên suốt cuộc mổ. “Nghe tiếng con khóc, mình vô cùng hạnh phúc và biết ơn Diệu đã mang nặng đẻ đau để biến tổ ấm thành hiện thực”, Bích xúc động chia sẻ.
Diệu kể, mọi khoảnh khắc của con đều được cả hai chia sẻ trong cộng đồng, họ nhận về 80% lời chúc mừng từ mọi người, 20% sự ngạc nhiên và bình luận tiêu cực. Khác với trước đây, Cô đã mạnh mẽ đón nhận, bình tâm vượt qua bởi có Quỳnh Bích cùng con trai đồng hành, mọi giông bão trở nên nhẹ nhàng bên trong tổ ấm.
“Từ khi có con, cả hai cùng chăm sóc con, ngắm bé lớn lên mỗi ngày, tình cảm ngày càng khăng khít hơn”, Bích nói. Sau tất cả mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh hạnh phúc mà cả hai mong chờ đã đủ đầy. Có gia đình làm điểm tựa vững chắc, đầu tháng 3, Bích sẽ quay lại với giải quốc gia, an tâm chinh phục những giải thưởng mới.
Đối với Diệu, con trai như sợi dây kết nối diệu kỳ, bởi sau nhiều sóng gió, bố mẹ cũng đã chấp nhận lựa chọn của cô; đồng thời yêu thương Bích như thành viên trong gia đình.
Ngồi bên cạnh nhau, Quỳnh Bích và Thanh Diệu hạnh phúc, cho biết sẽ đồng hành cùng nhau nuôi dạy con trong môi trường tốt, chủ động chia sẻ để bé thấu hiểu về gia đình và tự tin lớn lên, không sợ bản thân bị kỳ thị, trở thành người tốt có ích cho xã hội.
“Dù giới tính nào, quan trọng là tình cảm dành cho nhau. Chúng mình mong muốn chia sẻ đến mọi người cùng cảnh ngộ, để thêm động lực tìm kiếm hạnh phúc, vững tin trên hành trình ‘tìm con’”, Diệu nói. Cô mong mỏi rằng xã hội ngày càng cởi mở để người đồng tính được tự tin lựa chọn cuộc sống của mình và con cái của họ cũng không phải chịu những thiệt thòi, kỳ thị.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Việt Nam hiện đang có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15-59. Những số liệu từ kết quả khảo sát “Trải nghiệm và nhu cầu sống chung cùng giới” cũng do đơn vị này thực hiện cho thấy, trên 50% người tham gia nghiên cứu cho biết đang trong quan hệ với người yêu, bạn đời cùng giới.
Gần 100% người tham gia khảo sát có mong muốn cặp đôi cùng giới tính được pháp luật công nhận bình đẳng như cặp đôi khác giới; 96% mong pháp luật cho phép cặp đôi cùng giới nhận con nuôi; 63% các cặp mong có con trong tương lai và 95% trong số họ mong được tiếp cận các kỹ thuật cấy ghép phôi thai.
Đối với những cặp đồng tính nữ, có thể thực hiện xin mẫu từ ngân hàng tinh trùng với tư cách là mẹ đơn thân, thực hiện IVF như thường quy và cho tỷ lệ đậu thai cao hơn. Chuyên gia Taraneh Nazem, bác sĩ nội tiết sinh sản và chuyên gia vô sinh tại New York (Mỹ), cho biết, cần rất nhiều chu kỳ và thời gian, sự quyết tâm về mặt tinh thần, sự bền bỉ và sức mạnh để có được một kết quả thành công trên hành trình có con của những cặp đôi đồng giới.
Ở một số trường hợp, khi phụ nữ ngoài 35 tuổi, số lượng và chất lượng buồng trứng suy giảm nhiều khiến tỷ lệ thụ thai thành công ngày càng giảm đi dù các phương pháp hỗ trợ sinh sản được thực hiện trong những điều kiện tốt nhất. Do đó, bác sĩ Yến khuyến khích phụ nữ nên làm mẹ trước 35 tuổi để tăng tỷ lệ đậu thai trong lần chuyển phôi đầu tiên.
Tại IVF Tâm Anh TP HCM, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận, thụ tinh ống nghiệm (IVF), “se duyên” cho các cặp đồng tính nữ có con thông qua việc sử dụng mẫu từ ngân hàng tinh trùng, quy trình này như thực hiện IVF cho người phụ nữ làm mẹ đơn thân.
Với những cặp đồng tính nam, khi muốn có con, họ gặp nhiều rào cản hơn bởi thiếu trứng và tử cung của người phụ nữ. Tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, pháp luật không cho phép cặp đôi vừa xin trứng vừa mang thai hộ. Theo WebMD, từ hơn hai thập kỷ trước, nhiều cặp đồng tính nam đã phải từ bỏ việc có con vì các phương pháp hỗ trợ sinh sản không đáp ứng được mong muốn của họ. Ngay cả bây giờ, họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản về mặt tình cảm, tài chính, pháp lý và cả xã hội.
Pháp luật Việt Nam cho phép người đồng giới có thể bảo tồn khả năng sinh sản bằng kỹ thuật trữ lạnh noãn và trữ tinh trùng, sinh con khi đã sẵn sàng về tâm lý, tài chính, điều kiện nuôi con… Người đồng tính nam bắt buộc phải kết hôn với người nữ thì mới có thể có con nhưng ở các nơi khác trên thế giới, họ có thể có con nhờ biện pháp mang thai hộ. Do đó trước khi đưa ra các quyết định sử dụng hormone hoặc can thiệp phẫu thuật chuyển giới, nên cân nhắc bảo tồn chức năng sinh sản.
*Bệnh nhân đồng ý sử dụng thông tin cá nhân
Comments are closed.