Đột quỵ tim cấp sau khi chơi thể thao
Ông Mạnh, 49 tuổi, mệt mỏi, nhịp tim hơn 100 lần một phút, huyết áp tăng 150/110 mmHg kéo dài suốt một ngày sau đánh cầu lông, bác sĩ phát hiện đột quỵ tim cấp.
Ngày 19/2, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ông Mạnh (ngụ tại Hà Nội) được ThS.BS Dương Công Lĩnh, khoa Tim mạch thăm khám lâm sàng và chỉ định định đo điện tim, các xét nghiệm kiểm tra sau khi xuất hiện triệu chứng mệt nhiều sau khi đánh cầu lông. Kết quả cho thấy ST (chỉ số điện tim) chênh lên, dấu hiệu của đột quỵ tim cấp (nhồi máu cơ tim cấp).
Bác sĩ Lĩnh cho biết, ST chênh lên trên điện tim là dấu hiệu gợi ý của tổn thương tim. Nhồi máu cơ tim có ST chênh lên xảy ra khi một động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, khiến phần lớn cơ tim không được cung cấp đủ máu. Đây là dạng đột quỵ tim nghiêm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không can thiệp kịp thời.
Các bác sĩ lập tức chỉ định người bệnh chụp mạch vành tìm nguyên nhân. Trên phim chụp mạch vành thấy xuất hiện huyết khối gây tắc hoàn toàn nhánh mạch vành bên phải. Các xét nghiệm khác cũng cho thấy người bệnh có tình trạng hoại tử cơ tim – men tim troponin T tăng rất cao, mắc rối loạn mỡ máu.
Khai thác tiền sử bệnh lý, được biết ông Mạnh là người chơi thể thao và luyện tập đều đặn. Mỗi ngày dành khoảng 3-4 tiếng chơi thể thao. Trước nhập viện 1 ngày, ông thấy mệt mỏi sau khi chơi thể thao, tự kiểm tra nhịp tim thấy tăng hơn 100 nhịp/ phút, huyết áp là 150/110 mmHg. Ông cho biết thêm, trước đó ông nhiều lần thấy huyết áp tăng nhưng chưa đi khám và điều trị.
Ông Mạnh được chỉ định nhập viện ngay, 1 tiếng sau các bác sĩ tiến hành can thiệp nong và đặt stent. Đây là phương pháp an toàn, không gây đau, người bệnh không cần sử dụng thuốc mê và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật. Trước khi đặt stent, bác sĩ sẽ nong mạch vành để “mở đường” đưa stent vào lòng động mạch.
Bác sĩ đưa ống thông có chứa quả bóng qua đường động mạch quay (ở tay) đến vị trí bị tắc. Bóng được bơm phồng giúp mạch mở rộng lòng mạch bị hẹp. Tiếp đó, bác sĩ đưa stent vào vị trí bị hẹp và bung ra, giúp dòng máu lưu thông lại bình thường, sau đó dùng bó cỡ lớn hơn giúp nong nở rộng tối ưu can thiệp đặt stent. Kết thúc quá trình nong và đặt stent chỉ sau 30 phút.

Sau can thiệp, huyết khối được loại bỏ, nhánh mạch vành được tái thông, stent đặt đúng vị trí, tưới máu tốt. Ông Mạnh xuất viện sau 2 ngày. Theo bác sĩ Lĩnh, sau can thiệp đặt stent, người bệnh có thể trở lại chơi thể thao như bình thường tuy nhiên cần lựa chọn các bộ môn phù hợp, không gắng sức quá nhiều trong khi chơi thể thao.
Bác sĩ Lĩnh lý giải, mảng xơ vữa, huyết khối gây hẹp mạch vành hình thành do nguyên nhân tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Trường hợp của ông Mạnh, có thể trên nền hẹp mạch vành sẵn có do mảng xơ vữa gây ra, người bệnh chơi thể thao gắng sức nhiều làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng nhu cầu oxy cơ tim làm nứt vỡ mảng xơ vữa gây huyết khối tắc nghẽn hoàn toàn lòng mạch vành khiến người bệnh bị nhồi máu cơ tim.
Theo bác sĩ Lĩnh, đột quỵ khi chơi thể thao ngày càng có xu hướng gia tăng và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Để ngăn ngừa đột quỵ, người bệnh nên tầm soát sức khỏe để lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp với thể trạng. Trước khi tập luyện thể thao cần khởi động kỹ và tăng dần mức độ tập để tim co bóp và dần thích nghi. Việc này cũng giúp cơ thể ấm lên, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột đồng thời giúp các cơ bắp có thời gian thích ứng, không bị shock.
Ở trạng thái bình thường, nhịp tim sẽ giao động trong khoảng từ 60 – 100 nhịp/ phút. Khi tập luyện thể thao, nếu không khởi động và tập luyện gắng sức quá lâu sẽ khiến tim bị quá tải. Nhịp tim có thể đẩy lên cao, nếu hơn 180 nhịp/ phút sẽ vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn tới suy tim, đột quỵ.
Bác sĩ Lĩnh khuyên, tập luyện thể dục thể thao rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, vận động không đúng là điều kiện gây khởi phát cơn đột quỵ. Những người gặp các vấn đề về tim mạch, dị dạng mạch máu não khi luyện tập có thể gây tăng huyết áp dẫn tới đột quỵ.
Hơn nữa, thể trạng mỗi người không giống nhau, mỗi người cần biết những bệnh lý tiềm ẩn để xây dựng chế độ luyện tập phù hợp, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Các bộ môn đòi hỏi nhiều sức bền như bóng đá, chạy bộ,… ưu tiên lứa tuổi thanh thiếu niên. Người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền liên quan đến tim mạch, hô hấp tránh vận động quá sức. Đi bộ, đạp xe, yoga… là những lựa chọn phù hợp với người già.
Trường hợp xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đánh trống ngực… trong và sau khi chơi thể thao hoặc những người có tình trạng luyện tập thể thao lâu dài cần đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch kiểm tra càng sớm càng tốt.
Comments are closed.